![]() |
Ảnh minh họa |
Hiện nay, gạo Campuchia bán trên thị trường ĐBSCL do chính một số nhà máy chế biến gạo trong nước cung cấp. Các nhà máy mua lúa của nông dân Việt ở Campuchia sản xuất rồi vận chuyển lậu về nước chế biến, né được hàng rào thuế nhập khẩu. Đáng chú ý, không ai có thể khẳng định đó là lúa do người Việt thuê đất Campuchia để gieo trồng hay mua gom rồi bán lại. Đây là lý do chính khiến gạo Campuchia dễ dàng thắng gạo Việt về giá ngay trên đất Việt.
Một vấn đề đặt ra cần lý giải: Vì sao người tiêu dùng Việt chuộng gạo Campuchia?
Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ: Đó là vì gạo Campuchia ngon, thơm cơm và... giá mềm. Campuchia trồng giống lúa mùa, 1 năm 1 vụ mùa, năng suất chỉ khoảng 3 tấn/ha, thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, ít dùng bón phân và thuốc bảo vệ thực vật.
Trong khi đó, ở Việt Nam, đất được tận dụng 1 năm 3 vụ, chủ yếu là giống ngắn ngày, nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giống lúa dài ngày thường có chất lượng tốt hơn giống ngắn ngày...
Sân nhà đã vậy, nhìn xa ra “đấu trường” gạo thế giới, gạo Campuchia đang là “kẻ thách đấu” đáng gờm của gạo Việt. Gạo Campuchia đã 3 năm liên tiếp giành được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và có tới 8 thương hiệu trưng bày tại Hội chợ Thương mại lương thực được tổ chức ở Bangkok (Thái Lan).
Từng có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên học tập Campuchia về sản xuất lúa chất lượng cao và làm thương hiệu gạo.
Song, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc học Campuchia về sản xuất lúa đồng nghĩa với sự đánh đổi lớn. Việt Nam lâu nay trồng lúa 3 vụ/năm, năng suất 4-5 tấn/ha/vụ, nếu chuyển về trồng 1 vụ/năm, năng suất thấp, thu nhập của nông dân giảm thấp, an ninh lương thực bất ổn, xuất khẩu gạo sụt giảm..., có nên đánh đổi không? Hơn nữa, chúng ta không thể bỏ các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng thấp và trung bình.
Chuyện làm thương hiệu gạo có lẽ nên học thật. Tại ĐBSCL hiện đã có không ít doanh nghiệp bắt đầu xây dựng thương hiệu gạo cao cấp, như Gentraco (gạo Ngọc Đồng), Tập đoàn Lộc Trời (gạo Hạt ngọc trời), Công ty gạo Hoa lúa (gạo sạch Hoa lúa)... Đó mới chỉ là những “hiện tượng” lẻ tẻ. Để có những thương hiệu gạo Việt mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế không hề dễ dàng.
Như vậy, câu chuyện về vị thế hạt gạo Việt còn được bàn luận dài dài, và sự cao - thấp phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách.