Chung tay tiêu thụ hàng Việt

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt, rất cần những giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (DN) để giúp hàng Việt chắc chân tại các kênh phân phối có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Phóng viên Báo Công Thương đã ghi lại ý kiến của các DN xung quanh vấn đề này.
\"\"
Chuyên viên thu mua của Lotte Mart đánh giá sản phẩm hàng Việt trước khi đưa vào kênh phân phối

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food Joint Stock Co):

\"\"
Bà Lê Thị Thanh Lâm

Doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ

Để hàng Việt chắc chân tại hệ thống phân phối có vốn đầu nước ngoài, ngoài việc tự thân DN phải nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, làm thị trường… các nhà bán lẻ nội cần hỗ trợ cho DN. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra việc tuân thủ chấp hành các quy định của pháp luật đối với sản phẩm đông lạnh. Vì thực tế cho thấy, trọng lượng sản phẩm ở một số DN còn mập mờ khiến người tiêu dùng thiệt thòi, DN cạnh tranh không công bằng. Đặc biệt, các DN sản xuất lẫn siêu thị nội cần liên kết với nhau. Nếu nhà phân phối lợi dụng vị thế của mình để chèn ép DN sản xuất thì nhà nước cần có những giải pháp can thiệp.

Bà Huỳnh Bảo Châu - Giám đốc Marketing Công ty CP Thực phẩm Cholimex:

\"\"
Bà Huỳnh Bảo Châu

Cần có chính sách phù hợp

DN khi đưa hàng vào các kênh phân phối nước ngoài thường phải chịu chi phí cao. Do đó, cơ quan quản lý cần đưa ra chính sách phù hợp, quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm của nhà phân phối. Cụ thể, không được tăng mức chiết khấu quá quy định, thậm chí phải giảm mức chiết khấu cho nhà cung cấp để có hàng phục vụ thị trường khi nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ, ưu tiên các điểm bán lẻ cho DN trong nước; phát huy hơn nữa vai trò của hiệp hội, ngành hàng…

Cơ quan quản lý cũng cần kiểm tra có hay không việc ưu đãi không bình đẳng của nhà phân phối nước ngoài đối với hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu; tạo cầu nối cho DN không cùng ngành hàng có thể liên kết để cùng thực hiện các chương trình đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Ông Trương Quang Luyến - Tổng giám đốc Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà:

\"\"
Ông Trương Quang Luyến

Tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng nhiều hàng Việt

Để hàng hóa có thể cạnh tranh tốt tại các kênh phân phối có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ quan chức năng cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các loại hình DN trong ngành như: Chấp hành đúng, đủ các nghĩa vụ về thuế; giám sát và xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả, vi phạm bảo hộ nhãn hiệu… Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động tăng cường kết nối, giao lưu, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất tiếp cận các đơn vị phân phối, từ đó đưa ra những giải pháp hợp lý, điều chỉnh kịp thời giúp các DN phân phối hàng hóa và tiếp cận tới người tiêu dùng dễ dàng hơn. Các cơ quan chức năng cũng cần triển khai chính sách hỗ trợ DN phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm; đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền quảng bá để mọi người dân Việt Nam hưởng ứng, ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt trong đời sống hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op:

\"\"
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy

Quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái

Trong hoàn cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh hàng hóa giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, các cơ quan quản lý nhà nước và DN phải cùng nỗ lực để phân phối hàng Việt. Cụ thể, DN và cơ sở sản xuất cần tăng cường đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng; cải tiến, áp dụng công nghệ mới, hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, ổn định, giá cả cạnh tranh; linh động trong quản lý điều hành kinh doanh, phối hợp thông tin chặt chẽ với các nhà phân phối; cam kết về số lượng và bảo đảm chất lượng hàng hoá đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm…

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn về thuế, nguồn vốn ưu đãi đối với các DN Việt; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp phòng chống hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các DN chân chính…

Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH:

\"\"
Bà Thái Hương

Cân bằng quyền lợi người tiêu dùng và chi phí nhà cung cấp

Ra mắt thị trường từ năm 2010, sản phẩm sữa TH True Milk đã chiếm được tình cảm và sự yêu mến của người tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, Tập đoàn TH vẫn mong muốn ngày càng nhiều người tiêu dùng được sử dụng dòng sữa tinh túy từ trang trại TH. Việc làm thế nào để cân bằng được quyền lợi của người tiêu dùng và chi phí của nhà cung cấp sẽ cần đến sự tham gia của các ban, bộ, ngành có liên quan. Tập đoàn TH có một số đề xuất đối với việc cung ứng hàng tại hệ thống siêu thị như sau: Thứ nhất, căn cứ tình hình kinh doanh của nhà cung cấp và siêu thị, đưa ra mức chiết khấu thương mại hợp lý, đảm bảo chính sách giá bán cho người tiêu dùng hợp lý. Thứ hai, giảm chi phí kê khai sản phẩm mới và thay đổi quy định đăng ký bán một mã sản phẩm mới thì phải loại bỏ một mã hàng cũ. Mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm của nhà cung cấp tại hệ thống siêu thị. Thứ ba, cân nhắc để tìm giải pháp cho khoản chi phí thuê mướn theo định hướng hợp tác hai bên cùng có lợi. Thứ tư, xem xét và thay đổi quy định nhập date sản phẩm đối với công ty có nhà máy sản xuất xa thị trường bán hàng. Tăng cường các chương trình lễ hội lớn với chính sách ưu đãi hàng Việt Nam.

Bà Lê Thị Lan Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị:

\"\"
Bà Lê Thị Lan Anh

Hỗ trợ đưa hàng Việt vào các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài

Nhằm đồng hành với DN sản xuất trong việc tiêu thụ sản phẩm Việt, đề nghị siêu thị tạo điều kiện nhận thêm mã hàng mới làm phong phú giỏ sản phẩm của nhà cung cấp Hữu Nghị tại siêu thị, qua đó góp phần gia tăng tỷ trọng doanh thu của các nhà sản xuất Việt trong tổng doanh thu của siêu thị. Bên cạnh đó, thường xuyên lựa chọn các chương trình khuyến mại của nhà cung cấp lên ấn phẩm của siêu thị để sản phẩm được giới thiệu đến người dùng một cách hiệu quả nhất. Hỗ trợ trưng bày hình ảnh cho sản phẩm của nhà cung cấp như: Thay đổi layout, line, kệ thường xuyên hơn để thu hút sự chú ý của khách hàng; giảm giá thuê vị trí trưng bày: Đầu kệ, ụ đảo cho các nhà sản xuất nội địa. Đưa ra mức giá bán hợp lý để có sức cạnh tranh so với các mặt hàng cùng loại trong siêu thị và so với cùng sản phẩm tại các siêu thị khác. Chính sách nhà cung cấp hỗ trợ siêu thị cũng cần ổn định qua các năm và duy trì ở mức phù hợp cho doanh nghiệp. Giải quyết vấn đề quá tải trong giao nhận hàng hóa tại các kho của siêu thị nhằm giảm thời gian chờ đợi của nhà cung cấp mỗi khi giao hàng.

TIN LIÊN QUAN
Nâng tầm giá trị hàng Việt: Nhiều chương trình hiệu quả
Cầu nối hàng Việt đến người tiêu dùng
Nhóm phóng viên Báo Công Thương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận