An toàn với dịch bệnh
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi cả nước đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận 73.253 trường hợp mắc mới, giảm 10,6%; số tử vong trong tuần giảm 15,8% so với tuần trước đó… Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát; số mắc trong 7 ngày gần đây giảm 10,7% so với 7 ngày trước.
![]() |
Cách tiếp cận của Việt Nam để ứng phó với Covid-19 vẫn theo phương châm 5K + vắc xin + công nghệ |
Tuy nhiên, một số địa phương lâu không có ca mắc, đã mắc mới trở lại và diễn biến phức tạp như tại tỉnh Hà Nam, Hải Dương; một số tỉnh nới lỏng giãn cách có hiện tượng tập trung đông người gia tăng mạnh. Do đó, nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong những ngày tới khó tránh khỏi, đòi hỏi cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục tăng cường giám sát để xử lý kịp thời.
Thực tế, việc xác định "zero Covid" là điều không thể, thậm chí giới chuyên gia đã cảnh báo, người dân toàn cầu có thể phải chấp nhận số người chết vì Covid-19 cao hơn bệnh cúm để có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Do vậy, để đối phó với tình trạng này, nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm sống chung, thích ứng với dịch bệnh, và vắc xin, thuốc điều trị được nhận định là chiến lược lâu dài, công cụ quyết định. Điển hình như Israel - nơi tiêm chủng nhiều nhất thế giới song vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm mỗi ngày, nhưng họ đã chấp nhận sống chung với virus.
Hay tại Singapore, đảo quốc sư tử này đang nỗ lực hướng tới sống chung với Covid-19 như một căn bệnh theo mùa, và sẽ đẩy mạnh tiêm chủng, cũng như có biện pháp giảm lây lan mà không phải quay lại tình trạng phong tỏa.
Tại Việt Nam, xu hướng sống chung an toàn với Covid-19 đã được nhắc đến nhiều lần, bằng cách tiếp cận tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất; tăng cường năng lực đáp ứng y tế theo phương châm “4 tại chỗ” như: Năng lực xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm gắn với điều tra dịch tễ; các khu cách ly, thu dung phân loại ban đầu; năng lực điều trị tại bệnh viện, tại nhà từ sớm… và tiếp tục thực hiện nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Thích ứng, linh hoạt
Giới chuyên gia nhận định, virus Sars-Cov-2 tồn tại chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt và có thể sẽ tiếp tục sản sinh ra nhiều biến thể không lường được ngay cả khi người tiêm đủ vắc xin vẫn nhiễm và lây truyền virus.
Do vậy, cách tiếp cận của Việt Nam vẫn theo phương châm 5K + vắc xin + công nghệ. Đồng thời dần điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch bệnh giai đoạn mới trên tinh thần “dịch đến đâu xử lý gọn đến đấy”.
Cụ thể, những tỉnh đang kiểm soát được dịch bệnh sẽ tiếp tục nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết khoanh vùng, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả. Những địa phương bị dịch nhiễm sâu và nặng phải có biện pháp chống dịch đặc biệt tương tự như các nước phát triển. Dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới sau khi tiêm vắc xin đạt được miễn dịch cộng đồng…
Các tỉnh không thực hiện giãn cách, chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập (quản lý người trở về từ vùng dịch); khi phát sinh các ổ dịch mới cần nhanh chóng triển khai việc truy vết nhanh, khoanh vùng hiệu quả, cách ly kịp thời, phân loại để chăm sóc, điều trị phù hợp.
Một lần nữa, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp với năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, diễn biến và kết quả công tác phòng, chống dịch; đồng thời đảm bảo đặt sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.
Được biết, tại cuộc họp mới đây về công tác phòng, chống dịch Covid-19, với sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo và bộ ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo phải thay đổi; cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên cơ sở 6 nguyên tắc chính: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; hoàn thiện và khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ em; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế; khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ cơ chế chính sách để huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch...
Tính đến sáng ngày 24/9, trên cả nước đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 36.868.169 mũi. Tuy nhiên, đến sáng nay, Việt Nam vẫn có 728.435 ca mắc Covid-19, hơn 493.400 ca đã chữa khỏi. Với bệnh nhân đang điều trị, có gần 4.700 bệnh nhân nặng. |