​Xây dựng\"tòa soạn hội tụ\"- Xu thế của báo chí hiện đại

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề phát triển truyền thông đa phương tiện trong thời đại mới, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, để tiếp tục khẳng định vị trí không thể thay thế trong xã hội, báo chí phải hướng tới xây dựng "tòa soạn hội tụ" và cơ quan báo chí đa phương tiện.
\"\"
Phát triển truyền thông đa phương tiện là xu thế tất yếu

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện đang phát triển như hiện nay? 

Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, giới báo chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Theo tôi, có bốn vấn đề mà báo chí đã làm nổi bật.

Thứ nhất là tinh thần khởi nghiệp và xây dựng Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động. Phong trào này đã lan tỏa trong đời sống xã hội, kinh tế và trở thành động lực rất mạnh, từ đó làm khởi sắc hoạt động kinh tế của Việt Nam với những thành tựu nổi bật, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của ngành Công Thương. 
Thứ hai là phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân. Báo chí Cách mạng Việt Nam đã luôn ở tuyến trên và có những đóng góp tích cực, thể hiện phẩm chất dấn thân của các nhà báo.

\"\"

Thứ ba, báo chí đã có những tiếng nói rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ truyền thống tốt đẹp, tinh hoa văn hóa của dân tộc. Điều này vừa thể hiện tính chiến đấu vừa thể hiện tính nhân văn của báo chí, góp phần làm rạng rỡ hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Thứ tư là báo chí đã góp phần gặt hái những thành công rất nổi bật trên mặt trận đối ngoại. Đặc biệt, vị thế của Việt Nam đã được củng cố rất mạnh mẽ thông qua việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC hồi tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Theo ông, với sự bùng nổ thông tin như thời điểm hiện nay, các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí cần làm gì để đáp ứng xu thế mới này? Ông đánh giá như thế nào về những chuyển động của Báo Công Thương trong thời gian gần đây?

Trong thời đại hiện nay, việc phát triển truyền thông đa phương tiện là xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới. Vấn đề xây dựng tòa soạn truyền thông đa phương tiện trong thời đại kỹ thuật số không chỉ có ở Việt Nam mà là xu hướng chung của cả thế giới. Đây có thể được coi là vấn đề thời sự của báo chí. Để có thể tiếp tục khẳng định vị trí không thể thay thế trong xã hội, tôi nghĩ báo chí phải liên tục cập nhật, tiếp cận được những thành tựu của khoa học, công nghệ hướng tới xây dựng tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện.

Một vấn đề nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là trong thời đại truyền thông kỹ thuật số với sự lên ngôi của mạng xã hội, đội ngũ làm báo cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận và sử dụng tốt những thành tựu của khoa học, công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin. 

Tuy nhiên, theo tôi điều quan trọng nhất với báo chí vẫn là tâm thế làm nghề, là đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo. Đó mới là vấn đề vượt trội của báo chí với mạng xã hội. Vì mạng xã hội là nơi có nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai lệch, nhiều thông tin giả tạo, thậm chí rất nhiều người đưa thông tin lên mạng xã hội thiếu tinh thần trách nhiệm, gây tác động mạnh lên đời sống xã hội, làm người dân hoang mang. Chính vì vậy, báo chí phải lên tiếng và phải lên tiếng bằng chính sự tinh thông về nghề nghiệp, về bản lĩnh chính trị và bằng đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Đây chính là cốt lõi của hoạt động báo chí, là sự sống còn của báo chí. Tính thuyết phục, độ tin cậy là con đường sống của báo chí ngày nay, và đó là trách nhiệm của nhà báo. 

Ở Việt Nam đã có một số cơ quan báo chí thành công trong việc xây dựng tòa soạn hội tụ, trong số đó, tôi muốn nhắc đến Báo Công Thương - đơn vị đang trên bước đường cải thiện, đổi mới rất mạnh mẽ. Bên cạnh tờ báo giấy Công Thương được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và hình thức, làm nổi bật được những vấn đề trọng tâm của đời sống kinh tế ngành Công Thương, thì Báo Công Thương Điện tử đã có sự tiến bộ rõ nét với các Tọa đàm, bản tin Chuyển động Công Thương. Gần đây, tôi có theo dõi Tọa đàm với chủ đề \"Báo chí dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0\". Có thể nói cuộc tọa đàm đã phản ánh rõ nét tính thời sự của báo chí hiện nay. 

Hướng xây dựng tòa soạn hội tụ với những chương trình như vậy theo tôi là rất đúng. Tôi mong rằng, bên cạnh việc đổi mới nâng cao chất lượng tờ báo in, Báo Công Thương Điện tử tiếp tục sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bởi ngành Công Thương là ngành kinh tế hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, lao động sản xuất, kinh doanh nên đòi hỏi phải xây dựng trở thành một tờ báo mạnh trong lĩnh vực kinh tế của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. 

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với việc áp dụng những điều luật mới về an ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua?

Luật An ninh mạng vừa được thông qua theo tôi là rất cần thiết, phù hợp với tình hình đất nước và điều kiện hội nhập của đất nước ta hiện nay. 

Tuy nhiên, để những điều cơ bản của đạo luật này được áp dụng vào cuộc sống, cụ thể hơn là đời sống báo chí, trước hết, các nhà báo phải nắm vững những điều luật này để góp phần bảo vệ an ninh thông tin mạng, vì nó liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh của nền kinh tế và an ninh trật tự xã hội...

Xin cảm ơn ông! 

Cà Hường - Cấn Dũng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận