Xây dựng hệ thống chính sách gần hơn với đời sống đồng bào

Với vai trò, chức năng của mình, Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách thiết thực với công tác dân tộc. Nhận định về những dấu ấn trên và phương hướng năm 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Đỗ Văn Chiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
\"\"
Chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi Báo Công Thương đến với bà con dân tộc huyện Sìn Hồ (Lai Châu)

Thưa ông, nói về năm 2016, trong rất nhiều công việc mà Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã thực hiện, ông muốn nhắc đến những dấu mốc nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến: Năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBDT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015. Qua tổng kết, đánh giá, chúng tôi đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân, từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020. Với phương châm: Thay vì “hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình” bằng “hỗ trợ cho cộng đồng, tạo sinh kế” (khắc phục tình trạng không hộ nào muốn thoát nghèo); từ “cho không” sang “cho vay với lãi suất ưu đãi” (khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại); từ “hỗ trợ lâu dài” sang hỗ trợ có điều kiện (hỗ trợ từ 3-5 năm phải cam kết thoát nghèo...); đối với những hộ già cả, hết sức lao động, không nơi nương tựa, hộ tàn tật,... chuyển sang hưởng chính sách xã hội, không thống kê vào hộ nghèo thông thường.

Bên cạnh đó, UBDT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thể chế hóa các quyết định theo hướng phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương (tỉnh, huyện) quản lý với sự tham gia của cộng đồng.

Năm 2016 cũng là năm đầu tiên UBDT có được cơ sở dữ liệu khá đầy đủ đến từng xã, từng dân tộc, thông qua kết quả “Điều tra, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số”. Với kết quả điều tra này, chúng ta có căn cứ thực tiễn phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách một cách chính xác, đầy đủ và khoa học.

\"\"

Ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc 

Đã có những chính sách, cơ chế nào cụ thể trong Chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020 được xây dựng dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, thưa ông?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến: Với nhóm chính sách chung: Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên phân bổ nguồn lực cho vùng đặc biệt khó khăn, DTTS, miền núi cao hơn so với nơi khác; trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vùng DTTS và miền núi được thụ hưởng 2 dự án với số vốn gần 35.000 tỷ đồng.

Với nhóm chính sách đặc thù: Ngoài chính sách chung, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, ban hành thêm một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS và miền núi, như: Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020; Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025; hỗ trợ trực tiếp cho 12 dân tộc rất ít người; Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết số 52/NQ-CP về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/03/2016 phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025.

Việt Nam được thế giới đánh giá là quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi; trong đó có rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho đồng bào DTTS. Vậy nhưng, đây vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao gấp hơn 3 lần so với bình quân chung của cả nước. Ông lý giải như thế nào về điều này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến: Dành sự ưu tiên cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng nhà nước vẫn quan tâm, bố trí 135.879,5 tỷ đồng (chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn) thực hiện chính sách và công tác dân tộc. Trong đó, đầu tư định canh, định cư cho 30.000 hộ; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho 12.000 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 7.000 hộ; 80 xã, 372 thôn, bản đã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, với 2.400 xã, 3.100 thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhu cầu vốn đầu tư cho vùng DTTS và miền núi là rất lớn. Giai đoạn 2011-2015, ngoài Chương trình 135 được bố trí đủ vốn (16.762 tỷ đồng), các chính sách còn lại chỉ cân đối được 7.557/14.615 tỷ đồng theo đề án được phê duyệt (chiếm 51,7%). Cũng chính vì khả năng cân đối ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu nên mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng vẫn chưa thể tạo được bước phát triển đột phá cho vùng DTTS và miền núi. Hiện nay, đói nghèo, bệnh tật, thiếu việc làm, thu nhập thấp vẫn đang là thách thức lớn của vùng DTTS và miền núi; khoảng cách của vùng này so với đô thị và vùng phát triển có chiều hướng ngày càng xa.

Vậy, ngoài những chính sách hiện có, để tạo ra những chuyển biến lớn cho vùng DTTS và miền núi, theo ông, thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến: Hiện nay, quản lý nhà nước về công tác dân tộc mới chỉ có Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ - đây cũng là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành.

Tới đây, UBDT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành cơ quan trung ương, địa phương tham mưu xây dựng đề án thực hiện Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013: “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc” để việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai căn cơ hơn, dự kiến trình Quốc hội đưa Luật Dân tộc hoặc Luật Hỗ trợ đầu tư phát triển vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số vào Chương trình xây dựng Luật năm 2018 của Quốc hội.

Về phía UBDT, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho giai đoạn 2016-2021, sao cho chính sách sát thực tế, phù hợp với tình hình phát triển vùng DTTS và miền núi.

Cùng với đó, UBDT mong muốn nhận được sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường nguồn lực nhà nước, đề xuất chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có nguồn lực của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ.

Đối với các địa phương có vùng DTTS và miền núi, cần chủ động ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chính sách dân tộc, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cho các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương mà ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Mai (Thực hiện)
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận