Vốn ngân hàng chiếm 85-90%

Vốn ngân hàng chiếm từ 85-90% tổng vốn của các dự án BOT, BT trong đó, có tới 22 dự án đang chậm tiến độ… là những nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp đưa ra những cảnh báo về hoạt động cho vay lĩnh vực này.
\"\"
Dòng vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tín dụng

“Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” là chủ đề hội thảo vừa được tổ chức cuối tuần qua, trong đó đề cập tới lo ngại của ngành Ngân hàng khi nguồn vốn tập trung tại các dự án BOT có thể tiềm ẩn rủi ro.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: “Trong điều kiện ngân sách nhà nước cũng như các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn hẹp thì việc thực hiện đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT là rất quan trọng và cần thiết”.

Tuy nhiên trên thực tế, việc có quá nhiều các trạm thu phí BOT và sự không minh bạch trong nguồn thu của các trạm, cũng như quản lý doanh thu từ BOT luôn là những câu hỏi lớn của dư luận đang cần được làm rõ. Ở góc độ nguồn vốn, các dự án BOT được thực hiện dựa trên phần lớn vốn vay ngân hàng đang khiến áp lực trả nợ cũng như thu hồi nợ bị đẩy lên cao. Theo đại diện NHNN, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm từ 85-90% tổng mức đầu tư của các dự án BOT. Cụ thể, tính đến 30/6/2016, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông với số tiền là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015. Ba ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong việc cấp vốn BOT là: BIDV, VietinBank và SHB với tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm 85,64%, dư nợ chiếm 85,3% so với toàn ngành.

Bên cạnh lợi ích về phát triển hạ tầng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội thì việc gia tăng nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng tiềm ẩn rủi ro. Đại diện NHNN cho hay, nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Nhiều dự án trong quá trình thực hiện bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án và trả nợ ngân hàng. “Việc cho vay với lượng vốn lớn, dài hạn sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối nguồn vốn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Tài sản bảo đảm cho dự án BOT, BT chủ yếu tài sản hình thành từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro cao nếu lưu lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến, gây nhiều khó khăn cho tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn và xử lý tài sản đảm bảo” - đại diện NHNN nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số thông tư hướng dẫn Nghị định 15/2015/NĐ-CP chậm ban hành, việc thay đổi chính sách về thu phí của nhà nước đối với các dự án BOT cũng là những yếu tố tác động rất lớn trong việc cấp tín dụng và thu hồi nợ đối với các dự án BOT của các ngân hàng thương mại.

NHNN cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục giám sát chặt tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông và chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực này. Đồng thời, đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, siết chặt khâu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu; xác định tổng mức đầu tư, phương án tài chính… đối với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông ngân hàng tài trợ vốn, có 22 dự án bị chậm tiến độ với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.347 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 11.122,6 tỷ đồng.
Duy Minh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận