GRDP tăng 14,21%, đứng thứ 3 cả nước
Không chỉ năm 2020, những tháng đầu năm 2021 Vĩnh Phúc cũng trở thành “điểm nóng” của dịch Covid-19 khi có sự xuất hiện của nhiều ca nhiễm mới liên quan đến chuyên gia người Trung Quốc đến làm việc tại một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Nhưng nhờ kinh nghiệm chống dịch từ năm 2020, cộng với tinh thần quyết tâm của lãnh đạo địa phương, nên ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm mới, liên tục các cuộc họp khẩn đã được lãnh đạo tỉnh tổ chức và sau đó, liên tục các văn bản về phòng, chống dịch đã được ban hành nhằm quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định đời sống cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
![]() |
Quyết liệt chống dịch giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng: “Nhờ sự quyết liệt ấy, mà 4 ổ dịch với 90 ca nhiễm mới ngoài cộng đồng đã được kiểm soát chỉ trong vòng 10 ngày. Không có DN nào phải đóng cửa, không người lao động nào phải mất việc làm, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao”
Cụ thể, GRDP của tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng 14,21% so với cùng kỳ 2020, cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, công nghiệp-xây dựng tăng 21,98%; nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,78%; dịch vụ tăng 7,54%.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đat 17.128 tỷ đồng, đạt 55,8% dự toán, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 11.009 triệu USD, tăng 26,32%, trong đó xuất khẩu đạt 5.553 triệu USD, tăng 26,5%, nhập khẩu đạt 5.456 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2020.
Theo ông Lê Duy Thành, khi Vĩnh Phúc công bố con số tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm với 14,21%, cao nhất ở khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 cả nước (sau Hòa Bình và Ninh Thuận), nhiều người ngỡ ngàng với kết quả này bởi không nghĩ, một địa phương liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 lại đạt mức tăng trưởng kinh tế cao như thế. Đến Thủ tướng Chính phủ cũng đặt câu hỏi, kinh nghiệm nào khiến địa phương đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như vậy?
Nhưng chúng tôi chẳng có kinh nghiệm gì ngoài kinh nghiệm nỗ lực chống dịch. Chúng tôi bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”, coi đó là phương châm hành động của địa phương, từ đó chuyển trạng thái hoạt động từ “thời bình sang thời chiến”, sẵn sàng chiến đấu với "giặc" Covid-19. Nhờ vậy, rất nhiều cuộc họp đã diễn ra vào lúc nửa đêm để ra được nghị quyết vào lúc gần sáng, rất nhiều nơi được trưng dụng làm khu cách ly, để kịp thời chiến đấu với “giặc” Covid-19 – ông Lê Duy Thành Khẳng định và cho biết thêm: “Vĩnh Phúc quan niệm, chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát, DN mới yên tâm hoạt động, mở rộng sản xuất và người dân mới yên tâm sinh hoạt, từ đó mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phát triển”.
“Đất lành” của nhà đầu tư
Bên cạnh chỉ số tăng trưởng GRDP, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, 6 tháng đầu năm tỉnh Vĩnh Phúc cũng trở thành một trong những địa phương điển hình trong thu hút đầu tư. Cụ thể, vốn đầu tư trong nước 6 tháng đạt hơn 7,5 nghìn tỷ đồng và hơn 177 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc có hơn 600 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 7 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, rất nhiều nhà đầu tư đang hoạt động tại Vĩnh Phúc cho biết, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động của họ tại địa phương có sự tăng trưởng tốt, thậm chí có những DN 6 tháng đầu năm tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể, một nhà máy của Italia tại Vĩnh Phúc trong những tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Doanh thu tăng mạnh, sản xuất mở rộng, DN tuyển thêm 10% công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, chuỗi nhà máy của hãng này tại các quốc gia khác rơi vào tình trạng trì trệ, có khi phải giảm công suất hoạt động. Đó cũng là lý do, tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc mới đây, Đại sứ Italia đã chọn Vĩnh Phúc là nơi chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, đồng thời cho biết, nhiều DN nước này đang lên kế hoạch chuyển trụ sở của họ tại Đông Nam Á về đầu tư tại Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Thành công đó có được là do địa phương đã rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của DN trong bối cảnh dịch bệnh. Hiểu được những hoang mang, lo lắng của DN khi dịch bệnh bùng phát, có thể phải đóng cửa và ngừng hoạt động nếu không kiểm soát chặt chẽ… nên lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo và hành động thiết thực để DN yên tâm hoạt động.
Một trong những hành động thiết thực đó là, Vĩnh Phúc đã lập tổ cơ động 24/24 giờ để phục vụ DN. Trong đó, với những tập đoàn lớn đặt tại địa phương, Vĩnh Phúc đã lập tổ lưu động trực tại cổng vào DN để lấy mẫy xét nghiệm Covid-19.
“Nhờ đó, chính quyền trở thành người bạn, là bộ phận kiểm tra, bảo vệ sự an toàn dưới sự đồng thuận của DN, giúp DN yên tâm hoạt động” ông Thành cho biết và khẳng định, khi đã nhận được sự tin tưởng từ DN, họ sẽ chủ động báo cáo tình hình với chính quyền địa phương, từ đó địa phương sẽ có phương án chủ động để đối phó với các tình huống của dịch bệnh. Như vậy, sự quan tâm đó không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn mang lại cả lợi ích cho địa phương, là cơ hội để địa phương phục vụ tốt hơn mong muốn của DN.
Không chỉ hỗ trợ DN kiểm soát dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc còn rất sâu sát đến những khó khăn mà DN và người dân gặp phải. Theo đó, một xe hàng của DN bị ách tắc, chính quyền cũng vào cuộc xử lý kịp thời, giúp DN lưu thông hàng hóa. Hay một người dân bị kỳ thị vì từ vùng dịch Vĩnh Phúc trở về quê, chính quyền địa phương cũng can thiệp, hỗ trợ họ thoát khỏi những rắc rối.
“Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc luôn coi đồng hành cùng người dân và DN không chỉ là phương châm, mà còn là nhiệm vụ phải thực hiện, nhằm xây dựng một địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi và ở đó, mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự tăng trưởng kinh tế” – ông Thành thông tin thêm.
Tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, kịch bản 1 nếu dịch bệnh được khống chế tốt, tăng trưởng GRDP của tỉnh trong năm 2021 có thể đạt 9,5-10%. Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,5-5%; công nghiệp-xây dựng tăng khoảng 13-14%; dịch vụ tăng 4-5%. |