Bài 1: Trước thềm AEC: Việt Nam đã sẵn sàng
![]() |
Nhiều sản phẩm hàng Việt Nam đã có mặt tại các hội chợ trong khu vực |
AEC là khối kinh tế khu vực dự kiến “khai sinh” ngày 31/12/2015. AEC là một trong ba trụ cột Chính trị an ninh- Kinh tế- Văn hóa xã hội, nhằm thực hiện Hiến chương ASEAN, tạo ra thị trường chung, sản xuất thống nhất, lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng chung, hấp dẫn đầu tư từ bên ngoài.
Bắt đầu hành trình
Việc hình thành AEC đối với Việt Nam sôi động khi bước vào năm 2015. Đây được xem là một trong những điểm nhấn, tiếp nối bước đi, đích đến hoàn tất hành trình 20 năm hội nhập khu vực.
Thương mại Việt Nam khi bước vào thị trường khu vực này gặp không ít khó khăn do các quốc gia ở đây đã có vị trí nhất định và đối tác an bài. Tuy vậy, với thành tựu có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã tạo cho mình thế và lực riêng, nên dù vào sau nhưng Việt Nam đã chững chạc ngay từ bước đi ban đầu. Điều này được minh chứng bằng phát triển quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam – ASEAN, ấn tượng nhất là 5 năm gần đây. Từ 2010- 2014, kim ngạch hai chiều Việt Nam- ASEAN hòa theo nhịp tăng của nền ngoại thương nước nhà, lần lượt là: 26,7 – 34,5 – 38,0 – 39,8 – 42,0 (tỷ USD) giao thương với tất cả thành viên của hiệp hội. Năm 2014, 3 nước đứng đầu buôn bán với Việt Nam là Thái Lan 10,5 tỷ USD, Singapore 9,8 tỷ USD, Malaysia 8 tỷ USD. Kim ngạch giao thương với Philippines tuy có ít hơn nhưng đây lại là bạn hàng quan trọng của Việt Nam về xuất khẩu gạo. Năm 2014, lượng gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang quốc gia này chiếm 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của ta. Campuchia là thị trường nhỏ đối với Việt Nam, nhưng xuất siêu sang thị trường này thì không nhỏ. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia 2,5 tỷ USD thì xuất siêu tới 1,9 tỷ USD. Hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao” thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam được tổ chức thường niên tại thủ đô Phnompenh. Các doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, An Giang, Khánh Hòa… thường xuyên mở mang buôn bán tại đất nước Chùa Tháp. Một số sản phẩm của Việt Nam như: lạc nhân, dệt may… cũng đã được ghi nhận tại thị trường Indonesia.
Đầu tư sớm và nhiều
Tính đến tháng 11/2014, Singapore đã có 1.342 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 32,7 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng số dự án và 13% tổng vốn ĐTNN đăng ký vào nước ta, đứng thứ 3/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản. Singapore là một trong những nước có khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, khởi đầu từ phía Nam, nay đã lan ra phía Bắc.
Thái Lan cũng đầu tư vào Việt Nam sớm. Đến nay, với 153 dự án đầu tư và tổng số vốn đăng ký là 1,54 tỷ USD, Thái Lan đứng thứ 12/79 nước và vùng lãnh thổ và đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN đầu tư vào nước ta, chủ yếu vào xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, đô thị mới, hóa chất, vật liệu xây dựng, sản xuất thức ăn gia súc. Mới đây, Thái Lan ngỏ ý đầu tư vào đường sắt Việt Nam.
Hy vọng khi hình thành AEC, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới với nhiều nhà đầu tư đến từ những nền công nghiệp phát triển.
Lao động dồi dào, việc làm tăng
Lao động là một trong những lợi thế khi Việt Nam tham gia AEC vì lực lượng dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Đào tạo được quan tâm đầu tư nên trong vòng 10 năm qua, chất lượng lao động đã được nâng lên với tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Đồng thời thông qua việc thu hút ĐTNN, người lao động Việt Nam được tiếp thu kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn lao động này sẽ đáp ứng tốt nhu cầu việc làm tăng lên khi Việt Nam cùng AEC ngày càng thịnh vượng.
Thuận lợi hóa thương mại
Việt Nam đã thí điểm hải quan điện tử tại Hải Phòng năm 2005, sau đó áp dụng tại 19 tỉnh/thành trong cả nước. Đến tháng 3/2014, hải quan điện tử đã chính thức vận hành tại 165/1749 (khoảng 85%) chi cục hải quan và 96% doanh nghiệp xuất nhập khẩu (DN XNK) với 5,4 triệu (khoảng 93,2%) tờ khai hải quan, giảm thời gian thông quan 8-10 phút luồng xanh; giảm chi phí tuân thủ thông quan, đơn giản hóa 42 thủ tục, dỡ bỏ 3 thủ tục…
Các thành viên ASEAN đang trong quá trình thống nhất về cấu trúc điều phối và kết nối Dữ liệu thương mại quốc gia với Dữ liệu ASEAN. Việt Nam cũng tham gia vào quá trình này.
Với những động thái trên, Việt Nam sẽ góp phần để AEC thịnh vượng và thu hẹp khoảng cách trong ASEAN, bằng: (1) Tự do hóa thương mại, đầu tư. (2) Thuận lợi hóa thương mại, đầu tư. (3) Chương trình kết nối ASEAN (4) Chương trình hợp tác khác. Đó cũng là cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng để nâng cao vị thế trong ASEAN, có xung lực mới trên đường hội nhập toàn cầu, tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế, đạt được những thỏa thuận phù hợp với thực tế Việt Nam, đảm bảo lợi ích quốc gia. |
Tích cực thực hiện cam kết
Cùng với việc chuẩn bị “nền tảng thể lực”, Việt Nam còn tích cực thực hiện cam kết xây dựng AEC. Theo thống kê mới nhất, trung bình các nước ASEAN hoàn thành hơn 82% cam kết hình thành AEC, trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên dẫn đầu trong việc thực hiện các cam kết, đạt trên 90%, chỉ sau Singapore.Việt Nam còn đưa 90% dòng thuế đã về 0%, từ nay đến 2018 đưa tiếp 7% các dòng thuế về 0%.
Điều này cho thấy dù còn hạn chế, chênh lệch giữa Việt Nam với 6 thành viên cũ của ASEAN, nhưng với quyết tâm hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đã khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện các cam kết đạt tỷ lệ cao…, được ASEAN đánh giá tích cực.
Nhiều năm qua, với vai trò điều phối hội nhập kinh tế ASEAN của Việt Nam, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ/ngành liên quan thực hiện Chương trình truyền thông AEC như tổ chức hội thảo ở nhiều địa phương, xuất bản các ấn phẩm, dựng phim về AEC, quảng bá rộng rãi trong doanh nghiệp và công chúng.
Bài 2:Chung tay xây dựng Cộng đồng AEC thịnh vượng