Việc chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng!

Thảo luận tại hội trường sáng ngày 9/11, Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nên xem xét, đánh giá lại quy định tạm thời về việc phê chuẩn an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh, giảm số ca mắc, giảm số ca tử vong trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV.

Các giải pháp phòng, chống dịch phải kịp thời, đồng bộ

Mở đầu phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, Chính phủ đã vận động linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, theo dự báo của thế giới sẽ có những diễn biến khó lường, nền kinh tế nước ta vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp, đời sống việc làm của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. “Việc chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt sang trạng thái bình thường mới đang đặt ra vấn đề cần phải tập trung giải quyết, trong đó người dân tiếp tục là chủ thể phải thích ứng vì vậy cần có giải pháp nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ bản than và bảo vệ cộng đồng”- đại biểu Thái Thu Xương đề xuất.

Cho rằng công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) thẳng thắn chỉ ra những vấn đề như công tác dự báo tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương còn lúng túng, nhiều tỉnh ban hành quy định không nhất quán, gây khó khăn cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, tỉ lệ tiêm chủng vaccine nhiều địa phương còn thấp... Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh, trong đợt dịch lần thứ tư, người dân sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê hương rất đông, khó kiểm soát và quản lý, nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh phức tạp, số ca mắc những ngày gần đây vẫn tăng, chi phí xét nghiệm còn nhiều bất cập, hạn chế.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên xem xét, đánh giá lại quy định tạm thời về việc phê chuẩn an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh, giảm số ca mắc, giảm số ca tử vong trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay. “Kinh phí cho việc xét nghiệm, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao là rất lớn, nhất là tại các bệnh viện. Nếu như không có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ đối với xét nghiệm, sàng lọc các đối tượng nêu trên thì sẽ là gánh nặng cho các cơ sở khám, chữa bệnh và ngân sách địa phương”- đại biểu nêu ý kiến.

đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa)
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa)

Đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) cho rằng, các giải pháp phòng, chống dịch phải kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, tránh mỗi địa phương làm một kiểu dẫn đến lúng túng, bị động. Có thể lấy ví dụ điển hình như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch vẫn kiểu mạnh ai nấy làm, mỗi ngành, mỗi địa phương một ứng dụng khai báo gây khó khăn cho nhân dân. “Cần áp dụng đồng bộ việc ứng dụng công nghệ khai báo y tế, phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ, phân bổ đồng đều và tiêm vaccine. Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện kịp thời các gói hỗ trợ của Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp”- đại biểu Dũng lưu ý.

Cân đối nguồn lực và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Liên quan đến việc hoàn thành phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban tài chính ngân sách về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Với nội dung này đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ) nêu vấn đề, về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai thực hiện còn rất chậm. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu các chương trình đã đề ra, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của đồng bào cử tri nhất là ở các khu vực miền núi, khu vực khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, sớm quyết định đầu tư hai Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại. Sớm ban hành quy định về nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của ba chương trình. Ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn nhiều khó khăn, quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. “Sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp theo các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành làm căn cứ để phân bổ vốn, cân đối nguồn lực và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”- đại biểu Vũ Tuấn Anh đề xuất.

Đại biểu thống nhất việc chuyển nguồn vốn 16.000 tỷ đồng từ năm 2021 sang năm 2022 để tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương cho thực hiện các mục tiêu quốc gia trong năm 2022 sẽ là 24.000 tỷ đồng. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thẩm quyền phân bổ ngân sách Trung ương cho các bộ, ngành, địa phương là của Quốc hội. Tuy nhiên, để bảo đảm kịp thời triển khai chương trình và cũng để rõ trách nhiệm, tránh hình thức, đại biểu nhất trí với đề nghị của Chính phủ là Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ phân bổ chi tiết và Chính phủ chịu trách nhiệm việc phân bổ. Quốc hội và các cơ quan liên quan sẽ giám sát, kiểm tra. Đồng thời cần có quy định thời hạn cụ thể Chính phủ phải hoàn thành việc phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đại biểu kiến nghị nên quy định là chậm nhất trong tháng 3.2022 để kịp thời triển khai thực hiện.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh cũng cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và để các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, đề nghị Quốc hội quyết định phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo tổng số như đề xuất của Chính phủ, đồng thời giao cho Chính phủ chỉ đạo rà soát lại, chỉ ra kế hoạch vốn năm 2022 cho các dự án đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư; phải ra đúng thời hạn quy định, tức là trước ngày 31/12/2021. Số vốn còn lại sẽ cắt giảm hoặc điều chuyển các dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2022 nhưng còn thiếu vốn.

Quỳnh Nga- Lan Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận