Việt Nam từng bước mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dânTỉnh Trà Vinh: Vượt khó, “dệt lưới” an sinh qua hệ thống bưu điện |
“Phao cứu sinh” cho bệnh nhân nghèo
Nằm cách TP. Trà Vinh hơn 7km, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành yên bình giữa bạt ngàn cây dừa xanh mướt. Men theo con đường quanh co rợp bóng dừa, cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh đưa chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Tiền (72 tuổi) ở ấp An Chay, đây là một bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả cao ở Trà Vinh.
Trong căn nhà mái lợp đơn sơ, ông Lê Văn Tiền hồ hởi kể, tháng 8, ông phải nhập viện và phải đặt sten tim mạch. Để an tâm, gia đình đưa ông sang một bệnh viện có tiếng của Cần Thơ, tuy nhiên, chi phí quá cao nên gia đình buộc phải đưa ông quay trở về điều trị tại Bệnh viện Trà Vinh. Trong thời gian điều trị, số tiền thanh toán viện phí của ông hơn 150 triệu đồng, nhưng nhờ tham gia bảo hiểm y tế mà ông được chia sẻ thanh toán chi phí điều trị lên tới 100 triệu đồng. "Đây là số tiền quá lớn đối với gia đình, nếu không có bảo hiểm y tế chi trả chúng tôi thật sự sẽ không biết trông chờ vào đâu"- ông Tiền bày tỏ.
![]() |
Việc không có thẻ bảo hiểm y tế, nhiều bệnh nhân nghèo ở Trà Vinh rơi vào tình cảnh rất khó khăn |
Không may mắn như ông Lê Văn Tiền, đến Bệnh viên Đa khoa tỉnh Trà Vinh, chúng tôi được biết, có nhiều bệnh nhân nghèo không có bảo hiểm y tế đã vô cùng vất vả khi nằm điều trị. Ông Nguyễn Văn Nghịch, huyện Duyên Hải là một trường hợp như vậy. Bị tai nạn giao thông nhập viện trong tình trạng nặng, ngay khi thấy khoản viện phí lớn nên ban đầu ông đã từ chối điều trị vì biết khả năng không thể thanh toán.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Dương Thanh Bình, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh cho biết, nhận thấy chi phí điều trị rất lớn, ông Nghịch lao động tự do không hợp tác điều trị. Nhưng may mắn gia đình đạt thỏa thuận đền bù với người gây tai nạn. “Với khoản viện phí ước khoảng 50-60 triệu đồng, do chi phí phẫu thuật xương rất cao, nếu bệnh nhân không có đền bù, gia cảnh lại khó khăn thì đây là một áp lực vô cùng lớn. Bệnh nhân khó có cơ hội điều trị tối ưu nhất”, bác sĩ Bình cho hay.
Nhấn mạnh vai trò của bảo hiểm y tế, theo bác sĩ La Quốc Trung, Trưởng khoa Cấp cứu, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Trà Vinh cho biết, bảo hiểm y tế chính là phao cứu sinh của rất nhiều bệnh nhân nghèo, thậm chí rất cần thiết cho cả bệnh nhân có điều kiện của Trà Vinh, bởi mức chi trả của bảo hiểm y tế chiếm phần lớn trong thanh toán điều trị của mỗi bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. “Đối với bệnh thông thường, người bệnh chưa thấy hết được giá trị của bảo hiểm y tế, nhưng với những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn như đặt sten, phải can thiệp về phẩu thuật, thủ thuật nếu không có bảo hiểm y tế sẽ là một gánh nặng cho gia đình và cả bệnh viện”- bác sĩ Trung nói.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thời gian qua, theo bác sĩ La Quốc Trung, Bệnh viên Đa Khoa tỉnh Trà Vinh đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý liên thông dữ liệu và kết nối khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội tỉnh, đảm bảo đáp ứng kết nối việc kết xuất dũ liệu theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đồng thời, việc triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thanh toán bảo hiểm y tế giúp cho thông tin khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế được công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tham gia.
Đặc biệt, bác sĩ La Quốc Trung cho biết thêm, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Trà Vinh không ngừng cải cách thủ tục hành chính tại bệnh viện, nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đa dạng hình thức tiếp nhận; triển khai thêm các bàn khám vào cao điểm, tăng cường nhiều bàn phát thuốc, đảm bảo bệnh nhân được phát thuốc ngay khi được kê toa, hoàn tất viện phí.
![]() |
Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, đơn giản thủ tục hành chính phục vụ người tham gia bảo hiểm y tế |
Quyết tâm cải thiện độ bao phủ bảo hiểm y tế
Số liệu cung cấp từ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh cho thấy, 10 tháng đầu năm 2022, độ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh Trà Vinh là 80,57% (820.747/1.018.635), đạt 89,45% chỉ tiêu UBND tỉnh giao (90,08%). Thực hiện giám định chi trực tiếp, giám định hộ và gửi giám định hộ; giám định và thống kê chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 108 cơ sở khám chữa bệnh là 1.118.058 lượt người (giảm 62.281 lượt người so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ 94,72%).
Ông Bùi Quang Huy - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh đánh giá, trên địa bàn, người dân tham gia bảo hiểm y tế được khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi theo đúng quy định; đa số các cơ sở khám chữa bệnh về cơ bản đã kiểm soát tốt chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hiện độ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh Trà Vinh vẫn đang ở mức khiêm tốn so với chỉ tiêu đặt ra.
Chỉ ra một số nguyên nhân, ông Bùi Quang Huy cho rằng, do ảnh hưởng kép từ tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc cắt giảm lao động làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc tại các đơn vị, doanh nghiệp; người dân bị mất hoặc sụt giảm thu nhập, kinh tế hết sức khó khăn nên việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như mong muốn.
Đặc biệt, trong năm 2022, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 là quy định có tác động lớn nhất, theo đó toàn tỉnh có 24 xã khu vực III và 55 xã khu vực II không được hưởng chính sách, tương ứng 337.860 người không còn được ngân sách nhà nước cấp thẻ (trong đó có 200.487 người dân tộc thiểu số của 55 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg), chính vì vậy mà số người tham gia bảo hiểm y tế của tỉnh Trà Vinh giảm sâu, giảm khoảng trên 40% so với năm 2021.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm học 2021 - 2022 học sinh, sinh viên phải học trực tuyến trong các tháng đầu năm học, vì thế việc thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình gặp khó khăn về tài chính nên chưa kịp thời tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh. Năm học 2021 - 2022, số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 88,4%, thấp hơn 8,56% so với năm học 2020 - 2021.
Từ thực tế trên, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh thừa nhận, kế hoạch bao phủ bảo hiểm y tế của địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực lớn khi thời gian của năm 2022 còn rất ít. Dù vậy, với ý nghĩa nhân văn của chính sách, ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vĩnh đang đặt quyết tâm cải thiện mục tiêu “phủ sóng” bảo hiểm y tế tới mỗi người dân.
Theo đó, bên cạnh các gói hỗ trợ bảo hiểm y tế từ tỉnh đến với các đối tượng khó khăn đã và đang triển khai, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh tăng cường tập trung phối hợp các đoàn thể, cơ quan bưu điện cùng các địa phương đổi mới nội dung, hình thức truyền thông phù hợp tới từng ấp, xã, khóm, giúp người dân hiểu đúng về vai trò, ý nghĩa của chính sách; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng Internet; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách bảo hiểm y tế, đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia.
Đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ “nước rút” trong 2 tháng cuối năm 2022, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh sẽ chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm y tế để kịp thời có phương án, giải pháp chỉ đạo, điều hành "từ sớm, từ xa" đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; phân công lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; hành động đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt; nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách.