Về thăm căn cứ Bộ Chỉ huy Miền

Nằm ở điểm cuối của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, thuận tiện cho việc tiếp nhận nhân lực, vật lực và mọi thông tin liên lạc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ từ hậu phương lớn miền Bắc, Tà Thiết được biết đến như một căn cứ cuối cùng của Bộ Chỉ huy Miền - nơi ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí lãnh đạo kiên trung, bất khuất.
\"\"
Nhà làm việc của nữ tướng Nguyễn Thị Định tại căn cứ Tà Thiết

Theo quốc lộ 13, cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 130 km, cách trung tâm Thị trấn Lộc Ninh (Bình Phước) 17 km là địa danh Tà Thiết - Krom nằm trên địa bàn xã Lộc Thành. Tiền thân nơi đây là cơ sở Chỉ huy tiền phương của chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết.

Theo tài liệu ghi chép lại, lý do Tà Thiết được chọn làm căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền vì ở đây có thế rừng giải phóng rộng lớn, điều kiện khí hậu ít khắc nghiệt; Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng (năm 1972); đặc biệt, đây là điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh nên có thế chiến lược, có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự... và rất thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp nhận cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị, hậu cần phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Mặt khác, việc chọn Tà Thiết là căm cứ của Bộ Chỉ huy Miền đã gây bất ngờ đối với địch, vì lâu nay, các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền thường đóng ở rừng sâu, giờ chuyển ra khu vực có dân, có rẫy, lại chỉ cách Sài Gòn 100 km theo đường chim bay.

Qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên Trương Thị Yến và lời kể của các nhân chứng lịch sử, chúng tôi như được sống lại không khí của những ngày lịch sử 40 năm về trước. Nơi đây, ngày 3/4/1975, phái đoàn cấp cao do Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu làm việc với Bộ Chỉ huy Miền xây dựng kế hoạch giải phóng Sài Gòn, Gia Định. Tại đây, đồng chí Phạm Hùng chủ trì cuộc họp giữa Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về phương án giải phóng phải “thần tốc, thần tốc, toàn thắng, nhất định toàn thắng”. Cũng chính nơi này, các đồng chí ở Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Miền tiến hành họp bàn về tình hình chiến sự ở miền Nam, đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời để giành thắng lợi trên chiến trường, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975…

Với những giá trị lịch sử to lớn của căn cứ Tà Thiết, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam là Di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc đoạn cuối của đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh.

Dù chỉ hình thành và tồn tại hơn 2 năm (từ 1973 - 1975), nhưng căn cứ Tà Thiết đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử giao phó và có vai trò vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.

Ông Nguyễn Tấn Hưng - Bí Thư Tỉnh ủy Bình Phước - chia sẻ, đối với khu vực Đông Nam bộ, Tà Thiết là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng miền Nam, là điểm đến không thể thiếu trong suốt hành trình tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vấn đề đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ hướng tới tăng dần tỷ trọng kinh tế, Tà Thiết là một trong những điểm nhấn, điểm trọng tâm để thực hiện chiến lược nói trên. Trong đó, giải pháp tối ưu là đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế liên quan đến phát triển du lịch của di tích này. Đối với sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ, Tà Thiết đóng vai trò chủ đạo và quan trọng không chỉ với nhân dân địa phương mà còn với toàn thể nhân dân Việt Nam.

Mai Ca
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận