Vai trò then chốt trong sản xuất hiện đại

Ứng dụng khoa học - công nghệ (KH&CN) được coi là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, thời gian qua, nhà nước đã ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực này.

Sự phát triển bền vững của các quốc gia ngày càng được đảm bảo từ những thành quả của đổi mới công nghệ. Công nghệ mới là chìa khóa quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh và tốc độ phát triển trong tương lai của bất kỳ quốc gia nào, nhất là quốc gia đang phát triển. Với các nước đang phát triển, mỗi bước tiến trên nấc thang công nghệ sẽ mang lại cơ hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

vai tro then chot trong san xuat hien dai

Phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu

Nhận thức được điều này, Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 khẳng định, Việt Nam quyết tâm coi KH&CN là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước; quy định việc tăng đầu tư cho KH&CN ở mức 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% vào năm 2020. Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Công nghệ cao cũng đặt ra khung khổ pháp lý cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các hoạt động công nghệ cao, từ lĩnh vực chế biến, chế tạo đến giáo dục và đào tạo.

Trong Quyết định số 677/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 có đặt ra mục tiêu: Số lượng doanh nghiệp (DN) thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm, trong đó 5% DN ứng dụng công nghệ cao; 100% DN sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia làm chủ và tạo ra được công nghệ tiên tiến để sản xuất; 80.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý DN nhỏ và vừa được đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới.

Luật KH&CN 2013 quy định việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động KH&CN. DN có thể nhận được hỗ trợ tài chính lên tới 30% tổng vốn đầu tư nếu họ thực hiện các dự án ứng dụng kết quả khoa học để tạo ra sản phẩm mới hoặc để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Hoạt động này cũng có thể được hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho các dự án thực hiện ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn hoặc hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho các dự án thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của nhà nước.

Bên cạnh đó, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước tập trung vào cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và DN thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ; chương trình tìm kiếm chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020, mục tiêu thành lập mạng lưới chuyên gia trên toàn cầu tìm kiếm các công nghệ tiên tiến, chuyển giao áp dụng tại Việt Nam.

Ngoài ra, các DN được thành lập hoạt động theo pháp luật Việt Nam và quyết định sử dụng vốn chủ sở hữu cho đổi mới và chuyển giao công nghệ được hưởng lợi từ một khoản khấu trừ tối đa 10% thu nhập tính thuế để lập Quỹ Phát triển KH&CN (Điều 17, Luật Thuế thu nhập DN)…

Với những chính sách này, đã khẳng định KH&CN giữ vai trò then chốt trong phát triển sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các chính sách mới hỗ trợ DN đổi mới công nghệ ngày càng tăng, cho thấy tính cấp bách của việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận