Vai trò báo chí với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Trong chuyến đưa hàng Việt về huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cuối năm 2014, có một câu hỏi đã ám ảnh tôi: “Lần đầu tiên có xe hàng Việt về huyện đảo, chúng tôi vui lắm. Nhưng sau này, muốn mua tiếp, chúng tôi mua ở đâu?”. Đây cũng là câu hỏi mà hơn 5 năm gắn bó với Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với vai trò phóng viên chuyên trách, tôi luôn trăn trở- làm thế nào để hàng Việt “bám rễ” trên đất Việt?

\"\"

Từ nhận thức đến hành động

Năm 2009, nhằm mục tiêu tạo sức bật cho hàng hóa sản xuất trong nước, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bắt đầu được Bộ Chính trị triển khai. Là “lính mới”, tôi được ban biên tập giao phụ trách chuyên mục này. Với tôi, đó là điều may mắn bởi được theo sát, trải nghiệm, buồn vui trọn vẹn cùng một chương trình mới với toàn bộ sức trẻ và sự háo hức.

Hơn 5 năm với hàng trăm chương trình tuyên truyền, nhận thức về hàng hóa Việt đã thay đổi khi thay vì tâm lý “sính ngoại”, người tiêu dùng đã chủ động chọn lựa và sử dụng hàng Việt. Đây cũng là bước đệm để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Việt. Tại khu vực thành phố, với mạng lưới bán lẻ dày đặc, mục tiêu này không khó. Điều khó nhất là làm sao để hàng Việt “bám rễ” ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo...

Được may mắn đồng hành với vài chục chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, hình ảnh ấn tượng nhất tôi thường thấy là người dân háo hức ra sao khi những chuyến xe hàng Việt “cập bến”, bịn rịn thế nào khi doanh nghiệp (DN) rời đi và trăn trở hỏi: “Lần sau họ có tới nữa không? Dùng hết chỗ đồ này rồi muốn mua tiếp thì tìm ở đâu?”... Đã vài chục lần, tôi đem trăn trở đó đi hỏi các cơ quan chức năng, DN và hàng chục bài báo ra đời. Bắt đầu từ những cái lắc đầu, những bài báo đầu tiên rơi vào thinh không. Không nản chí, tôi và những phóng viên chuyên trách khác vẫn không ngừng bám riết đề tài “khó nhằn” này. Rồi những tín hiệu vui đầu tiên tới khi 1, 2 rồi nhiều DN bắt đầu chia sẻ: “Đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn có tiềm năng, vì bà con mình khá hơn xưa rồi. Quan trọng là cách làm thôi. Phải đưa hàng giá rẻ, bền, phải liên kết nhiều DN để cùng mở một đại lý tổng hợp hoặc kết hợp vài ba địa phương mở chung một đại lý... như vậy mới thành công”. Cứ thế, cứ thế, những đại lý đầu tiên của Vinamilk, bánh kẹo Hải Châu, bóng đèn Điện Quang... bắt đầu bám rễ ở Lào Cai, Thái Nguyên..., với sức mua khá tốt. Tôi vui vì mình đã góp sức trong cuộc hành trình đầy chông gai ấy...

Những “quả ngọt” đầu mùa

Ngày 15/3/2015, Lễ trao Giải thưởng Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng CVĐ năm 2014- lần thứ I đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Cùng với Giải thưởng “Thương mại, dịch vụ Việt Nam 2014” diễn ra trước đó, giải thưởng này được tổ chức nhằm tôn vinh các DN có đóng góp tích cực vào CVĐ. 100 DN đã được chọn trao giải lần này và Báo Công Thương được tín nhiệm giao là đơn vị tổ chức giải thưởng.

Gắn bó với CVĐ trong một khoảng thời gian dài, hơn ai hết, tôi hiểu rõ niềm vui và sự xúc động đặc biệt của DN khi được nhận giải thưởng rất ý nghĩa và mang đậm tính nhân văn này. Nghệ nhân Trần Văn Sen- Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới- vị “thuyền trưởng” của Tập đoàn Hương Sen nổi tiếng đã rưng rưng khi chia sẻ: “Nước mình còn nghèo lắm. DN luôn phải nhận thức rằng để nước mạnh, dân giàu nên phải làm những việc chưa ai làm, sản xuất những sản phẩm chưa ai có. Sản phẩm phải có chất lượng, đa dạng về giá để không chỉ xuất khẩu mà còn phục vụ bà con dân mình. Chiến lược marketing với báo chí cũng là kênh truyền thông tốt để quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Do đó, giải thưởng có ý nghĩa này hôm nay không những là niềm vinh dự cho cán bộ, công nhân viên tập đoàn, mà còn cho bất cứ DN Việt Nam nào bởi những nỗ lực ấy đã phần nào được ghi nhận”.

Bà Phạm Thị Mai Hương- Phó giám đốc Công ty Bánh kẹo Hải Châu- không giấu nổi bồi hồi khi nhớ về những ngày đầu tiên đưa hàng Việt về nông thôn: “Để đưa từng gói gia vị, từng gói bánh nhỏ về thị trường nông thôn, nhân viên công ty phải đến từng thị trường, tìm hiểu nhu cầu của người dân, gây dựng đại lý để hàng hóa tiếp cận với người tiêu dùng dễ dàng nhất. Với đặc điểm giá cả phải chăng, chất lượng tốt, các sản phẩm của Hải Châu đã tiếp cận khá dễ dàng với thị trường khu vực nông thôn. Trong Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn do Bộ Công Thương tổ chức, Hải Châu cũng tích cực tham gia bằng cách cung cấp hàng cho các đơn vị để thông qua những chuyến bán hàng lưu động, hàng hóa tiếp cận tốt với người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời tận dụng những chương trình truyền thông của CVĐ để cung cấp thông tin về sản phẩm của mình. “Mưa dầm thấm lâu”, những sản phẩm của Hải Châu có thể tự hào nói rằng đã nhận được sự tin dùng của người tiêu dùng Việt nói chung và khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nói riêng”.

Vừa qua, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ chính thức được Thủ tướng phê duyệt. Đây thực sự là niềm vui đối với những người đã gắn bó với CVĐ suốt hơn 5 năm qua. Với những quyết sách mạnh mẽ như sẽ xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; xây dựng 100 mô hình điểm bán hàng Việt thí điểm với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cố định tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và tại các huyện vùng sâu, vùng xa, khu vực liên xã, biên giới...; xây dựng thí điểm 3 kho phân phối hàng Việt tại địa bàn nông thôn... đề án đang bắt đầu được triển khai sâu rộng mà truyền thông là một trong những hạng mục quan trọng nhất. Với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn bao giờ hết của các cơ quan chức năng, DN và các cơ quan truyền thông, ước mơ đưa hàng Việt phủ sóng kênh phân phối Việt đang trở nên gần hơn bao giờ hết.

Hơn 5 năm với hàng trăm chương trình tuyên truyền lớn nhỏ, những hội chợ hàng Việt, những chuyến đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... tuyên truyền luôn được đánh giá là một trong những hoạt động thành công nhất của CVĐ bởi góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.
Phương Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận