![]() |
Thói quen hút thuốc lá thường xuyên là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh ung thư phổi |
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân quan trọng gây ra hơn 25 căn bệnh như: Ung thư phổi, thanh quản, khoang miệng, da; các bệnh tim mạch và hô hấp. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ung thư phổi là cao nhất, gần như đứng đầu trong số các loại ung thư hiện nay.
Theo bác sỹ Phạm Thị Lệ Quyên - Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai - khi hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi qua khí quản để vào phổi.
Thói quen hút thuốc lâu dài có thể khiến các tế bào biểu mô phế quản sinh ra vẩy trồi lên biểu mô. Theo thời gian, những vẩy ung thư biểu mô tế bào này sẽ phát triển dần lên thành ung thư. Mặc dù, những người hút thuốc thường không có tiền sử mắc bệnh ung thư phổi. Thế nhưng, chính thói quen hút thuốc lá thường xuyên, hay phải ngửi khói thuốc trong một thời gian dài có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh ung thư phổi. Do thuốc lá trong khi đốt cháy thành khói sẽ phát tán ra thành chất gây ung thư.
Qua điều tra tại các bệnh viện cho thấy, người hút thuốc lá trong vòng 6 tháng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Đặc biệt, người hút thuốc lá có thể chết sớm hơn 20 năm so với người không hút. Người hút thuốc lá càng sớm, càng nhiều thì nguy cơ mắc phải căn bệnh ung thư phổi càng cao, càng nghiêm trọng. Đa số những người mắc bệnh ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc/ngày, số bệnh nhân còn lại bị ung thư phổi không hút thuốc nhưng đã hít phải một lượng đáng kể khói thuốc lá của người khác hút.
Đáng lưu ý, những người có tiền sử mắc bệnh phổi mãn tính như bệnh lao, bụi phổi... thường có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn những người không mắc bệnh. Thậm chí, viêm phế quản và bệnh phổi mãn tính có thể gây ra sẹo xơ trong quá trình chữa bệnh, từ đó sinh ra vẩy tế bào trong quá trình diễn biến bệnh và phát triển thành ung thư phổi.
Các nghiên cứu y học cho thấy, phổi của những người hút thuốc đều bị giảm diện tích bề mặt và giảm mạng mao mạch. Điều này có nghĩa là dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và ôxy cần thiết cho cả nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khỏe mạnh và chức năng bình thường của chúng.
Để phòng, chống bệnh ung thư phổi, các chuyên gia khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là giảm số người hút thuốc lá. Nhằm tiếp tục tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá, từ tháng 4/2018, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã triển khai chiến dịch phát sóng thông điệp truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiến dịch sử dụng thông điệp với hình ảnh mô tả các bệnh liên quan tới sử dụng thuốc lá, các thông tin về các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo các nhà khoa học, người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20-40 lần so với người không hút thuốc. |