Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá: Cần chế tài mạnh hơn

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5/2021), Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 - 31/5/2021) đã được triển khai trên khắp cả nước nhằm khuyến cáo tác hại của thuốc lá và giúp người dân tìm giải pháp để loại trừ thuốc lá vì sức khỏe.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê hiện có khoảng 780 triệu người trên thế giới muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm Covid - 19, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, năm 2021 WHO chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Tại Việt Nam, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm nay thực hiện tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh thành để triển khai hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn nhằm tạo ra môi trường không khói thuốc trong cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam được triển khai mạnh mẽ trong những năm qua và đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, kết quả điều tra tại 34 tỉnh thành phố trong năm 2020, so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% giảm xuống 21,7%. Nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới với khoảng 15,6 triệu người. Trong đó, nam giới chiếm 43%, nữ giới 1,1% và có 22,5% người trưởng thành hút thuốc lá.

Hút thuốc lá mang lại hệ lụy tồi tệ cho nhiều gia đình và xã hội vì độc tố chứa trong thuốc lá gây ra hàng trăm chứng bệnh nan y cho người sử dụng. Cụ thể, theo Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam là quốc gia sử dụng đến 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá sử dụng, 24.000 tỷ đồng bỏ ra làm chi phí y tế để khám chũa bệnh liên quan đến thuốc lá. Đặc biệt, trong cộng đồng hơn 30 triệu người đã bị tiếp xúc với hút thuốc lá thụ động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá: Nhiều nơi công cộng vẫn mịt mù khói thuốc lá
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An tiêu hủy 1.572.434 bao thuốc lá nhập lậu tịch thu trong năm 2020

Ông Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, kiêm Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá) lý giải, nước ta có lượng người hút thuốc lá đứng trong nhóm đầu của thế giới, do tại Việt Nam giá bán thuốc lá còn rẻ và rất dễ mua; trong khi chế tài xử phạt vi phạm trong sản xuất, mua bán, sử dụng thuốc lá còn nhẹ. Tại các địa phương có lực lượng thanh tra, xử phạt nhưng còn mỏng, dẫn đến số người hút thuốc lá nhiều và việc cai nghiện thuốc lá khó khăn.

Bà Nguyễn Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng - cho biết, trong hai năm 2019 và 2020, cơ quan chức năng đã xử phạt 254 người hút thuốc lá tại 10 bến xe, bến phà trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ngoài xử phạt trục tiếp người hút thuốc tại các bến xe, lực lượng chức năng nhắc nhở hơn 9.000 hành khách hút thuốc; lắp đặt hơn 1.500 biển cấm hút thuốc, 500 biển tại các nhà chờ. Tuy nhiên, người đã bị phạt vì hành vi hút thuốc nơi công cộng chỉ là nhân viên bến xe, tài xế, hành khách và người dân là chưa thực hiện được.

Thực tế cho thấy, tại các bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng dù đã gắn biển cấm hút thuốc lá và không ít những cảnh báo, nhắc nhở khác song nhiều người vẫn vô tư thực hiện thói quen hút thuốc của mình. Điều đáng báo động là tại Việt Nam, tình trạng người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên hút thuốc lá ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, nhất là các loại thuốc lá điện tử.

Một điều tra về sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO được thực hiện tại 21 tỉnh thành tại Việt Nam cho kết quả, năm 2019, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng lên 2,6%, trong khi thời điểm năm 2015 tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chỉ mới ở ngưỡng 0,2%. Trong khi Viện Chiến lược và chính sách y tế khảo sát với một kết qủa buồn, năm 2020 tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%, độ tuổi học sinh lớp 10 - 12 cao hơn với 12,6% và xu hướng ngày càng tăng.

Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội từ thuốc lá, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ngành giao dục tại các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, nhất là thuốc lá thế hệ mới tới sinh viên, học sinh các cấp. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về sức khỏe, mệnh lệnh hành chính trong việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhất là môi trường giáo dục hiện nay là chưa có tác dụng, theo đó cần có những quy định, chế tài mạnh mẽ hơn đối với những người vi phạm để răn đe sẽ hiệu quả cao hơn là những lời kêu gọi, khuyến cáo như lâu nay vẫn thực thi.

Trần Thế
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận