![]() |
Phố Hàng Đào Hà Nội |
Nếu nhìn trên bản đồ Hà Nội, không khó để nhận ra một tuyến phố bắt đầu từ Đuôi Cá cuối phố Trương Định băng qua các phố Bạch Mai, Phố Huế, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào, Hàng Ngang rồi tới Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy và kết thúc ở dốc phố Hàng Than. Đây chính là tuyến phố chạy dọc theo chiều Bắc - Nam của Hà Nội truyền thống. Ngày xưa người quê lên Hà Nội làm ăn buôn bán, thăm bà con không nhớ được lối về quê được dặn cứ hỏi đường ra tuyến phố này là không bao giờ lo lạc đường.
Có thể nói rất nhiều điều về tuyến phố đặc biệt này của Hà Nội, nhưng ít người để ý là từ lâu đã được mệnh danh là tuyến phố kinh tế tư nhân của Hà Nội.
Lý do đầu tiên là vì những cái chợ nổi tiếng nhất đất Hà thành xưa và nay đều bám vào tuyến phố này cả. Nếu đi theo lối thuận chiều là bắt gặp chợ Mơ rồi đến chợ trời Hòa Bình, kế đến là chợ Hôm rồi sau cùng là chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Lý do thứ hai là trên tuyến phố này người ta bắt gặp cả một phố hay một đoạn phố đều bán chung một thứ mặt hàng nào đó. Chẳng hạn như phố Huế bán phụ tùng xe đạp, xe máy, mũ bảo hiểm. Suốt dọc Hàng Ngang, Hàng Đào bán quần áo. Rồi phố Hàng Đường có đoạn cả phố bán thắt lưng, móc khóa. Và đặc biệt, cả phố Hàng Than là vương quốc của bánh cốm, vốn là nghề gia truyền của một gia đình ở nhà số 11 rồi lan ra cả phố.
Tuyến phố kinh tế tư nhân này của đất Hà Thành sống sót và tồn tại qua biết bao nhiêu đổi thay của lịch sử. Với du khách, thực sự là một sự kỳ thú bởi ở đây người ta được trải nghiệm cảm giác mua hàng hiện đại tại các cửa hàng mặt phố khi tự mình chọn hàng, trả giá những thứ có thể không tìm thấy ở bất cứ một chợ hay siêu thị nào. Với các nhà kinh tế thì tuyến phố này của Hà Nội là một sự kỳ lạ, bởi với họ, bài học kinh tế sơ đẳng nhất là phải bán thứ khác người hàng xóm hoặc đối thủ kinh doanh mới mong được lời lãi và phất lên. Đằng này cả phố bán chung một thứ hàng, thế mà chẳng ai đua tranh với ai mà vẫn có lãi.
Kinh tế tư nhân ở Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm. Những năm đầu mới giải phóng là thời hoàng kim của thành phần kinh tế này. Theo niên giám thống kê năm 1975 của Tổng cục Thống kê thì tới năm 1960, thị trường tự do chiếm 80 - 90 % doanh số bán ra. Qua nhiều đợt cải tạo ở Hà Nội, cho tới tận năm 1974, thị trường tự do vẫn đạt gần 50% doanh số bán của mậu dịch quốc doanh. Bối cảnh đặc thù của thời bao cấp đã khiến cho kinh tế tư nhân ở Hà Nội trở nên èo uột mà có người đã tổng kết bằng hình ảnh “Dán vá ni lông rách, bơm lại mực bút bi, tái chế dép nhựa cũ, lộn cổ áo sơ mi”.
Nhìn rộng ra, lịch sử cho thấy, việc nhận dạng và sắp xếp thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong phát triển quả không đơn giản. Đại hội VI, VII, VIII của Đảng nêu 5 thành phần kinh tế mà không thấy có kinh tế tư nhân. Đến đại hội IX, X và XI lần lượt xác định có 6 rồi 5 và 4 thành phần kinh tế cũng chưa thấy có kinh tế tư nhân. Phải tới đại hội XII của Đảng, mới xác định đi đôi với nhiều hình thức sở hữu là nhiều thành phần kinh tế và kinh tế tư nhân chính thức được định vị là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Cái thuở kinh tế tư nhân với nickname “con buôn, con phe” đã chính thức khép lại.
Tại Diễn đàn Khoa học về vai trò kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 10/2016, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, đã đến lúc cần có cái nhìn mới, cách tiếp cận mới về kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Đi kèm với đó là xây dựng một thế hệ doanh nhân mới làm nền tảng cho doanh nghiệp tư nhân. Còn TS. Nguyễn Mại kêu gọi nên có một tư duy hệ thống cho doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia khác lại quan niệm, nếu nói doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tư nhân Việt Nam cần gì nhất bây giờ, tất cả chỉ gói gọn trong hai chữ “bình đẳng”.
Vẫn biết rằng “cây đời mãi mãi xanh tươi”. Cuộc du ngoạn tại thực địa trên tuyến phố kinh tế tư nhân của Hà Nội đã và vẫn luôn là sự trải nghiệm cũng như là sự nhắc nhở đích thực về việc tôn trọng các quy luật khách quan cuộc sống để tạo lập đường ray cho sự phát triển bền vững. Đó hẳn là khát vọng, triết lý sâu thẳm của đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô vào một ngày thu cách nay vừa tròn 62 năm.