Từ giữa tháng 12, khi lượng người nhiễm bệnh không có dấu hiệu hạ nhiệt, các quận nội thành đã tiến hành các biện pháp hạn chế tụ tập đông người, chuyển sang bán mang về để ngăn chặn sự lây lan của đợt dịch này. Cụ thể, quận Đống Đa ( ngày 13/12), quận Tây Hồ với hai phường Quảng An, Yên Phụ (18/12), quận Hai Bà Trưng và 5 phường khác thuộc quận Hoàn Kiếm (Cửa Đông, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Gai) từ ngày 19/12.
![]() |
Cửa hàng thực hiện công tác phòng chống dịch |
Ngay sau khi tiếp nhận chỉ thị của Ủy ban nhân dân, các chủ cửa hàng nhanh chóng chuyển sang trạng thái bán mang về. Những tấm biển thông báo, tấm vách ngăn được đặt trở lại để tuân thủ công tác chống dịch. Các con phố tấp nập người qua lại giờ đây trở nên vắng vẻ, chỉ còn bóng dáng người giao hàng đến lấy đơn rồi lại di chuyển tiếp.
![]() |
Các hàng ăn trở nên vắng khách do dịch |
Cửa hàng thì đóng cửa để giảm chi phí qua đợt dịch, nơi thì bị phong tỏa do có ca nhiễm, phần còn lại đều cố gắng chống chọi để mong một ngày cuộc sống trở lại bình thường.
![]() |
Tiệm bún chả Hương Liên từng nổi tiếng vì từng tiếp đón nguyên Tổng thống Obama phải đóng cửa vì có ca nhiễm |
Các quán cà phê cũng tuân thủ công tác phòng chống dịch, chuyển sang trạng thái bán mang về nhưng doanh thu cũng không thể đủ để duy trì. Khai trương quán cà phê được một thời gian thì đợt dịch mới ập tới, anh Thắng, chủ quán cà phê ở phố Triệu Việt Vương dường như rơi vào cảnh tuyệt vọng. Cửa hàng được mở vào mỗi 9h sáng, nhưng khác với mọi hôm, việc dọn hàng dường như là một cách để anh lấy tinh thần vượt qua đợt dịch. Khách hàng của anh giờ chỉ có các bạn nhân viên văn phòng đối diện. Khách quen qua quán cũng hạn chế do lo ngại tình hình dịch.
![]() |
Covid đã khiến nhiều người trẻ với ước mơ khởi nghiệp phải rơi vào cảnh lo âu |
Cũng trên con phố Triệu Việt Vương, Cà phê Thái có tuổi đời gần trăm năm được nhiều bạn trẻ lẫn những người lớn tuổi yêu thích cũng không thoát khỏi cảnh tương tự từ khi thực hiện chỉ thị bán mang về. Con phố Triệu Việt Vương vốn sầm uất những người yêu cà phê giờ đây trở nên vắng lặng, không còn đông đúc như mọi ngày.
![]() |
Quán cà phê trăm tuổi giờ đây vắng bóng khách |
Mặc dù không nằm trong khu vực yêu cầu phải tạm dừng bán hàng tại chỗ, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các quận khác cũng không khá hơn. Từ khi Hà Nội bùng phát đợt dịch mới, đặc biệt tại các quận thuộc trung tâm, người dân cũng bắt đầu cẩn trọng hơn. Hàng quán tại các quận còn lại vẫn hoạt động bình thường nhưng lượng khách hàng sụt giảm mạnh.
![]() |
Tình hình kinh doanh tại các khu vực khác cũng rất ảm đạm |
Khi được hỏi về vấn đề kinh doanh trong thời điểm này, cô Loan, chủ cửa hàng bánh mỳ trên phố Đội Cấn, cũng không giấu được sự lo âu của mình. “Khách hàng bây giờ không qua mua trực tiếp nữa vì sợ nhiễm bệnh, doanh thu cũng không được bao nhiêu. Bây giờ mỗi lần nghe tiếng xe cấp cứu đều cảm thấy lo vì không biết mai có được mở cửa hàng để bán nữa hay không”, cô Loan chia sẻ.
![]() |
Dù không còn lạ trước việc bán mang về nhưng cô Loan vẫn không khỏi lo âu trước đợt dịch mới |
Một vài cửa hàng vẫn có lượng khách ăn uống tại chỗ ở mức tạm ổn. Tuy nhiên việc này tiềm ẩn không ít nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi có quá nhiều người tập trung tại cùng một vị trí.
![]() |
Nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn tại các hàng quán ăn uống |
Bộ Y tế đã đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng do thời tiết chuyển mùa đông - xuân, thích hợp cho sự phát triển, lây lan của dịch bệnh, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới.