![]() |
Nhớ thương… làng Mái
Đi qua những triền đê quanh co, thanh bình với những lũy tre xanh và cánh đồng rộng thênh thang, chúng tôi tìm về làng Mái - tên gọi dân gian xưa kia của làng tranh Đông Hồ, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bây giờ. Cho đến hôm nay, những người dân trong làng vẫn mang đậm những kí ức đẹp về một thời hưng thịnh của nghề làm tranh dân gian: “Làng Mái có lịch có lề/Có sông tắm mát, có nghề làm tranh”.
Ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Song Hồ - cho biết, trước những năm 1986, làng tranh phát triển mạnh mẽ. Hầu như nhà nào trong làng cũng làm tranh nên làng đã thành lập Hợp tác xã tranh Đông Hồ. Và thời ấy, tranh làng Mái không chỉ bán thập phương mà còn xuất đi các nước Đông Âu.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả |
Theo các cụ trong làng truyền lại, trước những năm 1944 là thời kỳ cực thịnh của làng tranh Đông Hồ. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Bao giờ cũng vậy, vào tháng Chạp, chợ tranh làng lại mở. Chợ mở 1 tháng 6 phiên (vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26). Những ngày này, tranh bày rực sân đình. Người thì khiêng tranh trong làng ra kìn kìn. Người thì vội vã chở tranh đi các ngả. Trên bến, dưới thuyền tấp nập kẻ bán, người mua.
Để chuẩn bị cho những phiên chợ ấy, cả làng bận rộn từ tháng 7 âm lịch. Khi ấy, từ sân đình, sân nhà đến triền đê sông Đuống đều là nơi dân làng chuẩn bị các nguyên liệu để làm, phơi tranh. Màu đỏ của sỏi son, màu xanh lá chàm, vàng hoa hòe, đen từ tro lá tre, trắng từ vỏ con điệp... Những gam màu thiên nhiên làm nên nét độc đáo của tranh Đông Hồ bừng sáng đến từng góc nhỏ.
Chúng tôi tìm đến gia đình Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam. Trong căn phòng khách rộng chừng 50m2 “đầy ắp” tranh, ông bảo: Du khách thập phương thích tranh Đông Hồ chính bởi sự mộc mạc, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của người dân vùng Đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, ẩn chứa trong sự mộc mạc ấy lại là những mơ ước, khát vọng về cuộc sống. Ví dụ, tranh “Gà đàn”, “Lợn đàn” tượng trưng cho khát vọng sung túc cả năm…
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả: “Không có lý do gì để bỏ nghề làm tranh truyền thống, bởi những gì ông cha để lại vẫn là những tài sản vô giá!” |
Theo Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, sự đặc biệt của tranh Đông Hồ còn thể hiện qua việc dùng màu. Mỗi màu phải dùng cho phù hợp với mỗi đề tài khác nhau như: Nền màu đỏ cho tranh “đánh ghen” để lột tả được cái nóng giận, bực bội, ngột ngạt của không khí lúc đó; nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày Tết; nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình…
Ước vọng muôn đời sau
Tết này, làng tranh Đông Hồ vắng bóng Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam, chỉ còn nghệ nhân già là cụ Nguyễn Đăng Chế và mấy nghệ nhân trẻ. Thế nhưng, trong mỗi câu chuyện với những nghệ nhân làng tranh, chúng tôi vẫn thấy một sức sống mãnh liệt của tranh làng Mái xưa kia hiện hữu.
Trong câu chuyện về bảo tồn, phát triển nghề, ông Quả như dốc hết tâm can: Lên 10 tuổi tôi đã biết làm tranh, cho đến nay cũng đã hơn 40 năm trong nghề. Giờ đây, tôi xem ngôi nhà của mình như một trung tâm sưu tầm, bảo tồn và phát triển tranh của làng và ngày ngày cố gắng chỉ bảo cho thế hệ sau từng công đoạn từ làm giấy, bồi điệp, pha màu, in, vẽ, đến phơi tranh... Tôi mong muốn, hậu thế không chỉ biết và thành thạo những quy trình cầu kỳ để làm nên một bức tranh mà còn phải hiểu, thấm từng triết lý nhân sinh sâu sắc được cổ nhân gửi gắm trong những “Vinh hoa”, “Đám cưới chuột”, “Hứng dừa”…
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế |
Cách nhà ông Nguyễn Hữu Sam mấy nhà là gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Trong nỗ lực làm sống lại nghề tranh Đông Hồ, ông Chế đã vận động con cháu đóng góp xây dựng Trung tâm Giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ rộng đến 5.600m² và dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Chế vẫn tham vọng truyền ngọn lửa tình yêu nghề đến các thế hệ tương lai của làng tranh. Ông tích cực đưa tranh của làng mình tới các triển lãm, hội chợ nhằm tạo cơ hội để mọi người biết và hiểu nhiều hơn về dòng tranh này. Khi có dịp, ông trực tiếp giới thiệu với bạn bè quốc tế về tranh Đông Hồ ở nhiều quốc gia. Từ những bước đi ban đầu nhiều khó khăn, đến nay, Trung tâm Giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ đã trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch vùng Kinh Bắc. Đặc biệt, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tìm đến với Đông Hồ hơn.
Chiều dần buông, dường như có cái buồn nhè nhẹ vô thường mặc định ngày đông. Ấy vậy mà, trong lòng chúng tôi lại hân hoan với một niềm tin mạnh liệt - một ngày Tết không xa, đầu làng cuối xóm Đông Hồ lại văng vẳng âm thanh ngày Tết quen thuộc từng đi vào thơ Tú Xương ngày nào: “Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Om sòm trên vách bức tranh gà”.