TP. Hồ Chí Minh: Hơn 7.840 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lạiTP. Thủ Đức phát triển dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số |
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều khó khăn, vướng mắc trong phục hồi sản xuất
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động hầu hết đến các lĩnh vực của kinh tế - xã hội. Trong đó, DN là một trong những đối tượng chịu sự tác động nặng nề nhất, tính riêng trên địa bàn TP. Thủ Đức, trong 10 tháng đầu năm 2021 đã có gần 2.370 DN giải thể và tạm ngưng hoạt động… Thông qua hội nghị gặp gỡ với DN, chính quyền TP. Thủ Đức lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh.
![]() |
Lãnh đạo TP. Thủ Đức cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sảnh xuất kinh doanh. Ảnh Thu Hằng |
Tại hội nghị, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty May Sài Gòn 3 đánh giá cao và ghi nhận sự quan tâm của chính quyền TP. Thủ Đức khi triển khai phủ kín vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân. Đồng thời hỗ trợ DN khi phát hiện các ca nhiễm dịch, cũng như có giải pháp thu dung, điều trị các trường hợp F0 để DN không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.
Về giải pháp hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất, ông Phạm Xuân Hồng kiến nghị chính quyền TP. Thủ Đức cần quan tâm hơn nữa đến chính sách hỗ trợ người lao động, nhất là các trường hợp thất nghiệp. Bên cạnh dó, TP. Thủ Đức theo dõi và thông tin kịp thời các gói hỗ trợ tín dụng của nhà nước cũng như của TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ DN trên địa bàn.
Tình trạng thiếu lao động do người dân về quê trong đại dịch là vấn đề được nhiều DN trăn trở, kiến nghị tại hội nghị. Theo các DN tại TP. Thủ Đức do thiếu lao động nên dù có đơn hàng cũng chưa thể phục hồi sản xuất. Đồng tình với nhiều DN về vấn đền này, ông Lê Quốc Hội - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ bốc xếp và vận tải Vĩnh An - chia sẻ, hiện nay khó khăn lớn nhất của DN là thiếu lao động. Công nhân, lao động từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh thành đông, nhưng mới trở lại khoảng 50%, dẫn đến thiếu rất nhiều lao động.
Do đó, để người lao động an tâm trở lại thành phố làm việc, ông Lê Quốc Hội đề nghị TP. Thủ Đức cần phối hợp với các tỉnh, thành lập các kênh để hỗ trợ người lao động trở lại làm việc. Đồng thời, có cam kết cụ thể về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19, đặc biệt hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cũng như an sinh xã hội trong tháng đầu quay lại làm việc.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn chia sẻ, trên địa bàn TP. Thủ Đức nhiều khu công nghiệp (KCN) cũ, đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” nhưng vẫn đang tồn tại xen cài trong các khu dân cư. Đa số DN tại đây có công nghệ thấp, xung quanh nhiều nhà trọ lụp xụp và đây cũng là khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 rất cao. Trong khi đó, TP. Thủ Đức có những khu sản xuất kiểu mẫu như Khu Công nghệ cao là mô hình hoạt động TP. Thủ Đức cần hướng tới.
Đối với Cảng Cát Lái, đây là một trong những cảng có quy mô xuất khẩu lớn nhất thế giới, ông Trần Việt Anh khuyến nghị TP. Thủ Đức nên quy hoạch khu công nghiệp Cát Lái thành khu dịch vụ về logistics cảng biển. Đồng thời, đề nghị TP. Thủ Đức phải có quy hoạch tiêu chuẩn cho nhà trọ, nhưng phải gắn liền với hoạt động của DN. Trong đó phải đảm bảo về môi trường, điều kiện sống cho công nhân.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh - cũng cho rằng, các Khu chế xuất Linh Xuân, Linh Trung... đã "hoàn thành sứ mệnh lịch sử". Thời hạn giao đất, cho thuê đất các khu vực này sắp hết hạn. Do đó, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, TP. Thủ Đức nên chuyển đổi công năng theo hướng thương mại, dịch vụ để tạo nguồn thu lâu dài.
Đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sảnh xuất kinh doanh
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) khẳng định, TP.Thủ Đức luôn quan tâm và đồng hành cùng DN trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cung như tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, mong muốn các DN chủ động có phương án sản xuất an toàn, thường xuyên tầm soát dịch cho người lao động và kịp thời trao đổi với chính quyền nếu phát hiện các trường hợp F0.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn khi thiếu nguồn lao động để phục hồi sản xuất |
Về các kiến nghị, đề xuất của các DN tại hội nghị, TP. Thủ Đức cam kết sẽ chỉ đạo các phòng, ban và đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ DN tháo gỡ; các kiến nghị vượt thẩm quyền, TP. Thủ Đức sẽ kịp thời kiến nghị, đề xuất với TP. Hồ Chí Minh xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ DN theo quy định.
Liên quan đến vấn đề kiến nghị tiêm vắc xin cho người lao động trở lại TP. Thủ Đức làm việc, lãnh đạo TP. Thủ Đức cho biết, hiện nay đang duy trì 22 điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn, người dân, người lao động tại DN có nhu cầu có thể đến các điểm tiêm để được tiêm ngừa vắc xin.
Nhằm đồng hành cùng hơn 41.000 DN trên địa bàn phục hồi sản xuất kinh doanh trong tời gia tới, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà TP. Thủ Đức hướng đến là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục để được miễn, giảm, gia hạn thuế theo quy định, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay...
“TP Thủ Đức sẽ rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, lấy chuyển đổi số là “xương sống” trong các hoạt động của thành phố. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021, 50% các thủ tục hành chính được phục vụ ở cấp độ 4”- Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cam kết.