TP. Hồ Chí Minh thu hút nguồn lực kiều bào

Hiện TP. Hồ Chí Minh có hơn 2.500 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư của Việt kiều được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn điều lệ hơn 35.000 tỷ đồng; 122 dự án đầu tư nước ngoài có vốn kiều bào với tổng vốn đầu tư trên 260 triệu USD. Nguồn lực đầu tư của kiều bào đã và đang góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
\"\"
Lượng kiều hối tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh

Trong đó có những DN có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả như Sun Group, Sovico Holding, Mỹ Lan, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Tập đoàn Norfolk... Nhiều Việt kiều cũng là cổ đông lớn của các DN, ngân hàng như Techcombank, VIB, Công ty Eurowindow...

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng luôn nhận được lượng kiều hối khá lớn chuyển về so với cả nước. Tính đến cuối tháng 8/2016, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 2,85 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, 71,9% lượng kiều hối chuyển về thành phố là dùng cho sản xuất kinh doanh, 21,6% cho lĩnh vực bất động sản và khoảng 6,5% hỗ trợ giải quyết khó khăn cho người thân trong gia đình. Với tình hình kinh tế của TP. Hồ Chí Minh phục hồi khá mạnh so với mặt bằng chung của cả nước, dự báo lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 2016 sẽ tiếp tục khả quan, dự kiến đạt khoảng 5,7 - 5,8 tỷ USD.

Mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh cũng đón gần 1 triệu lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, gần 100 ngàn lượt kiều bào tạm trú tại địa phương và tính đến nay có gần 500 kiều bào đã trở về thành phố sinh sống.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào sinh sống, đầu tư phát triển kinh doanh, TP. Hồ Chí Minh đã thí điểm một số chính sách dành cho chuyên gia kiều bào như (lương tháng 150 triệu đồng, bố trí nhà ở, phương tiện đi lại, tạo điều kiện cho con đi học…) để thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ về làm việc ở khu công nghệ cao, viện khoa học, trung tâm công nghệ sinh học... Ngoài ra, kể từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép kiều bào mua nhà trong nước được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014, cả nước đã có hơn 7.000 kiều bào đứng tên sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó tập trung nhiều ở TP. Hồ Chí Minh. Việc kiều bào có nhà tại quê hương là điều kiện cơ bản để họ có thể thường xuyên về nước mang theo những tích lũy nơi xứ người.

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thúc đẩy hợp tác với cộng đồng DN, chuyên gia kiều bào để có thêm những cánh tay nối dài cùng chung sức vì công cuộc phát triển kinh tế xã hội của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung càng trở nên quan trọng.

Cũng nhằm kết nối, khai thác nguồn lực kiều bào trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội, dự kiến Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” sẽ diễn ra từ ngày 10-14/11/2016 tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, một số tỉnh thành phía Nam. Sự tham gia của kiều bào trên khắp thế giới tại hội nghị này kỳ vọng các kiều bào đóng góp, hiến kế, tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả cho các vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài, chính sách phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, giáo dục, xây dựng cơ chế hợp tác, hình thành các nhóm chuyên gia kiều bào để tư vấn cho TP. Hồ Chí Minh, tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư giữa kiều bào với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương. 

Thanh Thanh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận