Báo cáo tại cuộc họp, - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong - cho biết, từ ngày 5/2 đến ngày 10/2, thành phố đã phát hiện 35 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, bao gồm 9 nhân viên làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất và 26 người khác cũng có liên quan đến nhóm nhân viên bốc xếp của sân bay.
![]() |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh - Ảnh HCM |
Theo Người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh, qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các trường hợp này đều không có triệu chứng và không diễn biến nặng, nhiều trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính rất nhanh sau một thời gian ngắn điều trị.
Cụ thể, qua báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh về kết quả giải mã bộ gene chủng dịch bệnh Covid-19 từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều khả năng các ca này xuất phát từ một nguồn lây. Chủng Covid-19 gây bệnh ở công nhân bốc xếp tại sân bay chủng A. 23.1 phát hiện lần đầu ở Rwanda (châu Phi) vào tháng 10/2020, không phải tuýp chủng lây lan nhanh có từ Anh (biến thể B.1.1.7).
Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số nước khác trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Úc, Anh và Đan Mạch, tuy nhiên chưa ghi nhận những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này. Đây là lần đầu tiên chủng A.23.1 được phát hiện gây bệnh trong cộng đồng ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm, sau khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 tại bộ phận bốc xếp hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của thành phố đã chỉ đạo triển khai xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ nhân viên làm việc trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Qua tầm soát cho 8.130 người, phát hiện 8 trường hợp mắc Covid-19 là các nhân viên làm nhiệm vụ liên quan đến bốc xếp hàng hóa, trong đó có 7 người thuộc Công ty dịch vụ mặt đất VIAGS và 1 người thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam tham gia làm việc cùng đội quản lý sắp xếp hàng hóa của công ty VIAGS.
Nhằm kiểm soát chùm ca bệnh, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp như điều tra, truy vết người tiếp xúc, phong tỏa tạm thời 36 địa điểm để tiêu độc, khử trùng và điều tra, xét nghiệm tầm soát. Đặc biệt là mở rộng tầm soát trong cộng đồng đối với các địa điểm có nguy cơ như: khu công nghiệp, khu nhà trọ, chợ dân sinh...
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã xét nghiệm 2.946 F1 và F2 của 35 ca bệnh không phát sinh thêm ca nhiễm. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh đã xét nghiệm cho 9.864 người trong cộng đồng tại các địa điểm khu vực liên quan đến ca bệnh và không ghi nhận ca nhiễm mới; xét nghiệm kiểm tra cho hơn 2.700 nhân viên y tế của 5 bệnh viện tại thành phố có liên quan đến các ca bệnh cũng không phát hiện người nhiễm.
Song song đó, TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức chiến dịch giám sát chủ động theo chỉ đạo của Bộ Y tế đối với các điểm nguy cơ gồm 5 bến xe liên tỉnh, 2 bến xe nội đô, 3 chợ đầu mối, 35 chợ địa phương và 25 khu nhà trọ, khu lưu trú của công nhân. Kết quả, trong 4 ngày thực hiện từ 11/2 - 14/02, đã có 6551 người được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính và 47 người đang chờ kết quả.
“Trong đợt đáp ứng khẩn cấp nhằm kiểm soát chùm ca bệnh liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện tổng cộng 39.122 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Đến nay, có thể nhận định ổ dịch tại thành phố đã được kiểm soát” - Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tạm dừng các hoạt động văn hóa, giải trí, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; dừng triệt để các hoạt động nghi lễ tôn giáo, nơi thờ tự; yêu cầu người dân hạn chế tối đa việc đi lại… khi ra khỏi nhà phải mang khẩu trang. Thành phố cũng đã có chủ trương cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2, tổ chức học trực tuyến để đảm bảo kế hoạch năm học.
Để kiểm soát và hạ chế tối đa nguồn lây dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Thành Phong cho hay, thời gian tới TP. Hồ Chí Minh tếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 về các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, kiên trì nguyên tắc chống dịch như ngăn chặn - phát hiện - cách ly- khoanh vùng - dập dịch. Khẩn trương điều tra, truy vết người tiếp xúc nếu phát hiện thêm ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng và khoanh vùng dập dịch triệt để tại những địa điểm liên quan.
Ngành y tế tiếp tục phối hợp lực lượng quân đội, UBND các quận - huyện và đơn vị liên quan đảm bảo năng lực, tổ chức tốt công tác cách ly y tế cho các nhóm người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19... Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng phương án mở khu cách ly tập trung ở các cơ sở từng tổ chức cách ly tập trung trước đây như Đại học Quốc gia, Đại học HUFLIT (công suất khoảng 10.000-15.000 giường).
“Nhằm hạn chế tối đa nguồn bệnh xâm nhập vào TP. Hồ Chí Minh sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra khai báo y tế hành khách đi máy bay, xe lửa, xe khách người dân địa phương đến thành phố” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kiểm soát nhập cảnh trái phép, đồng thời sẽ đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các đối tượng chính sách; hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng khó khăn do dịch bệnh.