Tọa đàm ‘EVFTA- Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ’

Từ 14h00 chiều ngày 14/2, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề: “EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ”- cuộc tọa đàm tổ chức ngay sau khi các văn kiện thương mại quan trọng giữa Việt Nam và EU vừa được Nghị viện châu Âu thông qua.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều muộn ngày 12/2 (giờ Việt Nam), với 401 phiếu thuận (đạt tỉ lệ 63,33%); 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua.

Với Hiệp định này, cả Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài. Nếu tính từ khi hai bên nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10/2010 cho tới khi Hiệp định này chính thức được EU phê chuẩn vào đầu năm 2020, thời gian đã kéo dài gần tròn 10 năm.

Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA đã đưa Việt Nam thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu trong quan hệ thương mại với EU.

EVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU hiện nay của Việt Nam. Có được kết quả trên là nhờ sự chung tay góp sức, vận động chuẩn bị của cả hệ thống chính trị.

Vấn đề cấp bách đặt ra là thời gian tới đây, các bộ, ban, ngành sẽ có sự định hướng chỉ đạo như thế nào để Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất những lợi thế mà Hiệp định mang lại?

Để cung cấp thông tin liên quan đến sự kiện này, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “EVFTA – Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ”.

Tọa đàm có các vị khách mời:

- Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);

- Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

- Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương;

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT.

Chương trình được truyền trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ tại địa chỉ chinhphu.vn hoặc media.chinhphu.vn vào 14h 00 ngày 14/2/2020 và được đưa tin trên hệ thống các cơ quan báo chí cả nước.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ ký kết hồi tháng 6/2019 tại Hà Nội, hai Hiệp định với EU mở ra chân trời hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp hai bên. Xin các ông phân tích về ý kiến này của Thủ tướng. Trước tiên xin mời ông Vũ Tiến Lộc!

Ông Vũ Tiến Lộc: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư của hai bên đóng vai trò như hòn đá tảng trong chính sách về kinh tế, thương mại. Nó tạo điều kiện để chúng ta tiếp cận thị trường hàng đầu thế giới xét cả về quy mô của thị trường và trình độ công nghệ, tiềm năng tài chính. Đây là khu vực thị trường có tiêu chuẩn rất cao, khi tiếp cận thị trường này, các doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta có thể đạt những chuẩn mực cao nhất của thế giới trong thương mại đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu có nhiều biến động thì bảo đảm tính tự chủ, tính chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các biến động là một yêu cầu rất quan trọng. Việc mở cánh cửa ra thị trường EU cũng giúp cho chúng ta có được một cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống ở xung quanh và đây cũng là điều sẽ đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Ngọ Duy Hiểu: Chắc chắn, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, người lao động sẽ có lợi rất nhiều. Họ sẽ có thêm việc làm; việc làm sẽ bền vững hơn; người lao động sẽ có thu nhập cao hơn. Ở một góc độ khác, luân chuyển lao động giữa hai khu vực với nhau cũng sẽ được thực hiện nhất là với những tiêu chuẩn rất cao của EU thì người lao động chắc chắn sẽ được làm việc trong một điều kiện an toàn hơn. Đây là những lợi ích mà tổ chức công đoàn chúng tôi được mang lại khi thực thi Hiệp định.

Ông Lương Hoàng Thái: Đây là một dấu mốc rất quan trọng bởi nó chuyển giai đoạn hội nhập, chúng ta từ giai đoạn đi sau sang giai đoạn là một trong những người đi đầu, xây dựng những thiết chế mới về hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu. Nhớ lại cuối năm 2016, trên thế giới bắt đầu xuất hiện những xu hướng hướng nội quay trở lại bảo hộ, một số nước rút ra khỏi Hiệp định thương mại tự do; trong bối cảnh đó, Trung ương của ta ban hành Nghị quyết 06 về việc tham gia vào những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Trong bối cảnh toàn cầu không thuận lợi như vậy, làm thế nào để chúng ta thực hiện được cái chủ trương được vạch ra đó? Với việc chúng ta đã có Hiệp định CPTPP và nay là Hiệp định Thương mại tự do với EU – một hiệp định có quy mô lớn hơn và mức độ cam kết có nhiều khía cạnh còn mới mẻ hơn - chúng ta đã thực hiện được thành công những chủ trương rất lớn của Đảng về chuyển đổi nền kinh tế thông qua quá trình hội nhập. Đặc biệt, năm nay kỷ niệm 30 năm quan hệ giữa EU và Việt Nam. Đây là dịp rất mừng để chúng ta ghi nhận lại những bước tiến đó trong hợp tác giữa hai bên. Quan hệ giữa Việt Nam và EU cũng chính thức chuyển từ giai đoạn đơn phương sang song phương, bình đẳng, cùng có lợi thông qua một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA mở ra một cơ hội rộng lớn cho ngành nông nghiệp bởi đây là một thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới và hàng năm lượng nhập khẩu nông sản của họ khoảng 150 tỷ USD. Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên toàn cầu mới được trên 40 tỷ, xuất khẩu sang EU mới khoảng trên 5 tỷ. Chúng ta còn rất nhiều dư địa khi giảm thuế để chúng ta có thể đưa hàng sang EU. Đặc biệt, thu nhập trung bình của người dân ở EU thuộc mức thu nhập cao thì họ sẽ sẵn sàng trả cho những mặt hàng giá cao hơn và chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn. Đây là một cơ hội rất tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà quan trọng là về chất lượng để theo đúng định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp mà giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn, bền vững về môi trường hơn và con người hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuần Anh có phát biểu “EU có cơ sở để đặt niềm tin vào các cam kết của Việt Nam thể hiện trong Hiệp định”. Xin các ông cho biết ý kiến của mình?

Ông Vũ Tiến Lộc: Phải khẳng định rằng, khi EU đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do cũng như Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU ở chuẩn mực cao nhất là liên minh Châu Âu đã gián tiếp thừa nhận những nỗ lực cải cách xây dựng thể chế kinh tế thị trường hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam. Và EU cũng tin cậy những cam kết của Việt Nam về việc thực hiện Hiệp định và hướng tới lợi ích chung của 2 khu vực. Tôi nghĩ điều này sẽ tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam bên cạnh những thiết chế cụ thể mà Hiệp định mang lại như giảm thuế, tạo ra những khuôn khổ thuận lợi hơn cho thương mại đầu tư, tăng cường các hợp tác về kỹ thuật.

Vị thế của EU đối với kinh tế đối ngoại của chúng ta vô cùng quan trọng; không chỉ bản thân Hiệp định này là nền tảng thúc đẩy quan hệ giữa hai bên mà nó còn tạo niềm tin của cả cộng đồng thế giới đối với những nỗ lực cải cách thể chế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường hướng tới phát triển bền vững và cam kết hội nhập của Việt Nam. Đây là một tác động vô cùng lớn mà không thể cân đong đo đếm được.

Những Hiệp định như thế này không phải là “chiến thắng của một bên” mà là hai bên cùng thắng. Bên cạnh những cơ hội lớn mở ra thì cũng đồng thời phải đối đầu với những thách thức. Theo các ông những thách thức đối với chúng ta khi Hiệp định EVFTA đi vào triển khai là gì? Các bộ ngành phải làm gì để hỗ trợ đối tượng chính là các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, đương đầu với những thách thức, để những tiềm năng từ Hiệp định trở thành hiện thực?

Ông Lương Hoàng Thái: Việc chúng ta thông thương với một trong những thị trường lớn mà có năng lực cạnh tranh cao như vậy rõ ràng một số ngành kinh tế sẽ phải cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng. Nhưng điểm thuận lợi là cơ cấu kinh tế của chúng ta mang tính bổ sung cao với nhau nên có một số mặt hàng mang tính cạnh tranh nhưng về cơ bản là mang tính bổ sung. Thứ hai, chúng ta tận dụng cơ hội như thế nào từ thị trường EU, đặc biệt đây là thị trường có yêu cầu đồi hỏi rất cao cả về chất lượng sản phẩm không những thế người ta có cả những cái đòi hỏi về cả quy trình sản xuất ra những hàng hóa đó như thế nào. Việt Nam hiện nay là nhà xuất khẩu đứng thứ 2 trong ASEAN và khu vực EU chỉ sau Singapore rõ ràng sau một thời gian hội nhập thì cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta đã vươn lên, nếu như có Hiệp định EVFTA chúng ta sẽ có cơ sở để vươn lên hơn nữa.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xin ông Tuấn chia sẻ thêm về những thách thức của ngành nông nghiệp và ngành sẽ đưa ra những giải pháp như thế nào trong thời gian tới để hỗ trợ các doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: EU có lẽ là trường hợp đầu tiên khi giảm thuế cho cả hàng chế biến nông sản, điều đó mang lại rất nhiều lợi ích khi mà chúng ta có cơ hội đưa hàng sang thị trường này. Theo như ước lượng của một số nhóm nghiên cứu, khi Hiệp định này được thực thi, nó thể giúp tăng trưởng xuất khẩu mỗi năm trên 1tỷ USD vào thị trường EU và từ đó cũng giúp cho một phần nào tăng trưởng GDP trong nông nghiệp vào cỡ 0,4 – 0,5% /năm.Đặc biệt, với một loạt các yêu cầu khắt khe của thị trường Châu Âu nếu chúng ta vượt qua được thì có nghĩa là chúng ta có thể đưa hàng sang các thị trường khác. Trong bối cảnh chúng ta vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết nên rất khó để mà quản lý thì ngành nông nghiệp cần tận dụng tốt các cơ hội mà xử lý các thách thức; làm sao tổ chức được sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất cho ngành nông nghiệp. Chúng tôi hướng tới đặt mục tiêu là phát triển kinh tế hợp tác xã, mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư thành những cái chuỗi ví dụ như là trong khoảng 3 – 4 năm vừa qua, số doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp đã tăng khoảng 3 lần (12.381 doanh nghiệp và đã dựng lên khoảng 1.400 chuỗi sản phẩm an toàn).

Và một thách thức khác đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiêu biểu nhất là ngành chăn nuôi. Đối với các doanh nghiệp đủ lớn họ có đủ khả năng để cạnh tranh còn đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hợp tác xã thì đây là một thách thức lớn. Chính vì vậy, thời gian tới ngành nông nghiệp tục tục củng cố phát triển hợp tác xã quy mô lớn hơn, hiệu quả tốt hơn.

Những Hiệp định như thế này không phải là “chiến thắng của một bên” mà là hai bên cùng thắng. Bên cạnh những cơ hội lớn mở ra thì cũng đồng thời phải đối đầu với những thách thức. Theo các ông những thách thức đối với chúng ta khi Hiệp định EVFTA đi vào triển khai là gì? Các bộ ngành phải làm gì để hỗ trợ đối tượng chính là các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, đương đầu với những thách thức, để những tiềm năng từ Hiệp định trở thành hiện thực?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết tôi nhất trí với ý kiến của anh Tuấn và anh Thái về những cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Cơ cấu kinh tế của châu Âu và Việt Nam bổ sung tương hỗ hơn là tranh trực tiếp. Cho nên chỉ có một số mặt hàng cạnh tranh rất gay gắt. Những mặt hàng này chúng ta đã có một lộ trình để giảm thuế 7 – 10 năm. Có những mặt hàng chúng ta kiên quyết giữ mức thuế đánh vào.

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, ngay lập tức có đến 70% mặt hàng được giảm thuế, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế vô cùng lớn về mặt chi phí khi thuế quan không còn. Nhưng để vượt qua được điều này là một hành trình vô cùng gian nan.

Trước tiên là vượt qua các quy định về xuất xứ của hàng hóa. Hiện nay nguyên liệu sản xuất hàng hóa của chúng ta phần lớn là từ Trung Quốc và ASEAN, chứ không phải từ Việt Nam và EU. Làm sao đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ là điều đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua, đặc biệt đối với dệt may và giày dép, hai mặt hàng chủ lực của chúng ta sang mặt hàng này.

Thứ hai là hàng rào về kỹ thuật và quy định về vệ sinh dịch tễ rất cao, có thể nói không phải nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu này. Những nỗ lực đầu tư và quy trình quản lý để có thể đáp ứng được nhu cầu của châu Âu, điều này rất khó khăn.

Thứ ba là các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ người tiêu dùng, thị trường. Những biện pháp này đối với châu Âu rất nặng nề, vượt qua được điều này không đơn giản.

Cuối cùng nền tảng của tất cả là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ hàng hóa của chúng ta. Đối với doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn đang ở mức trung bình của thế giới theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Chúng ta vươn lên cạnh tranh với châu Âu có nghĩa là cạnh tranh với những nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới. Vì vậy có một khoảng cách về năng lực cạnh tranh giữa chúng ta với các nền kinh tế này. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ hàng hóa của Việt Nam là yêu cầu quan trọng nhất. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải quay trở về với vấn đề cơ bản nhất của môi trường kinh doanh.

Làm sao phải tiếp tục có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Chúng ta mở con đường cao tốc với thế giới, với EU thì chúng ta phải mở con đường cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp. Mở con đường cao tốc để thực hiện các thủ tục hành chính ở Việt Nam. Điều này đang được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Sắp tới rà soát quy định pháp luật để có thể đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, thực hiện nhanh các thủ tục đối với doanh nghiệp, đặc biệt là đầu tư xây dựng và đưa vào quá trình sản xuất của các dự án.

Điểm nghẽn lớn mà tôi nghĩ chúng ta cần tập trung để thúc đẩy đó chính là chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta được thế giới đánh giá cao nguồn nhân lực đông đảo nhưng chi phí thấp và kèm theo chất lượng chưa cao. Điều kiện cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế. Chính vì vậy, tôi nghĩ vấn đề cấp bách để chúng ta tận dụng được cơ hội hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế đã có những sự cố gắng. Nhưng vừa qua, sự huy động sức toàn dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng như BOT, các dự án PPP..lại rơi vào bế tắc. Thực sự chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật, hệ thống khuyến khích và bảo vệ thỏa đáng quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện. Cho nên không huy động được sức lực của toàn dân vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây cũng là một điểm nghẽn.

Điểm nghẽn về thể chế, về nhân lực, về cơ sở hạ tầng rất khó để tận dụng những cơ hội từ Hiệp định. Chúng ta vẫn tận dụng được cơ hội từ Hiệp định tuy nhiên nói về cạnh tranh dài hạn và tận dụng được hết các cơ hội đang mở ra phải có một con đường cao tốc, có một cuộc cách mạng trong cải cách thể chế sắp tới.

Đây sẽ là chìa khóa cho mọi vấn đề. Chúng tôi cũng rất muốn đề nghị các cơ quan Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng thể chế. Thủ tướng đã nói: Thể chế, thể chế và thể chế. Đây là nhiệm vụ trung tâm của cơ quan Chính phủ. Khi Chính phủ gỡ được thể chế, tạo điều kiện về thể chế thì doanh nghiệp sẽ hăng hái sản xuất kinh doanh, sẽ có những cách thức huy động nguồn lực và sự nghiệp giáo dục đào tạo để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sẽ có cách thức huy động nguồn vốn toàn dân đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng.

Cuối cùng, ba điểm chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh là thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Nhưng điểm chốt của ba điểm chốt này chính là sự mở đường của thể chế.

Chúng ta ký kết hiệp định với liên minh châu Âu có nghĩa là chúng ta có một thể chế thúc đẩy cho thương mại đầu tư với châu Âu, một thể chế hiện đại, một thể chế với chuẩn mực hàng đầu thì thể chế trong nước cũng phải vươn tới những chuẩn mực như vậy mới tương thích.

Để thực hiện EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do khác, có vai trò rất quan trọng của Chính phủ trong việc thúc đẩy cải cách thể chế, doanh nghiệp cũng phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phải đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, phải làm ăn dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững. Phát triển bền vững chính là nền tảng tương tác của chúng ta với thế giới, với EU trong bối cảnh mới.

Hành trình một thập kỷ như đã nói ở trên là kết tinh của những nỗ lực không ngừng nghỉ, là chặng đường đàm phán trường kỳ với vô vàn thách thức. Xin ông chia sẻ chia sẻ đôi điều về thời điểm ông cho là khó khăn, đáng nhớ nhất hoặc phiên đàm phán gay cấn, “khắc nghiệt” nhất mà đoàn đàm phán đã vượt qua với sự chỉ đạo sát sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để rồi hôm nay nói như Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh “chúng ta đã vượt qua chặng đường khó khăn nhất?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi cho rằng, đã có những lúc trong hành trình ký kết, phê chuẩn của chúng ta có phần chững lại. Quá trình đàm phán đã khó khăn nhưng quá trình phê chuẩn dường như đối với Hiệp định này còn khó khăn hơn. Bởi vì các nghị sĩ châu Âu khá khó tính, có nhiều quan điểm khác nhau. Có rất nhiều quan điểm phê phán chúng ta, can thiệp các vấn đề về nhân quyền, lao động, môi trường rất nặng nề.

Có thể nói, cơ bản hệ thống pháp luật của chúng ta đã đảm bảo nhu cầu đó, đặc biệt hệ thống pháp luật của chúng ta đã tuân thủ công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Chính những tháo gỡ nút thắt quan trọng đó là những tháo gỡ để quốc hội châu Âu có thể ủng hộ cho Việt Nam.

Tôi nhớ quá trình căng thẳng, hai bên chững lại quá trình ký kết này, tôi theo Thủ tướng sang tận châu Âu và tôi có buổi làm việc riêng với ông Chủ tịch Ủy ban thương mại châu Âu. Chúng tôi trao đổi về những vướng mắc hiện nay và những vấn đề Quốc hội châu Âu quan tâm, vấn đề mà họ quan tâm nhất là quan hệ lao động, họ chia sẻ: Đây không phải là chúng tôi can thiệp vào Việt Nam, can thiệp vào tiêu chuẩn lao động của Việt Nam, nhưng nếu Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn lao động thấp hơn các nước khác, có nghĩa là cạnh tranh không bình đẳng.

Các nghị sĩ châu Âu không chấp nhận cạnh tranh không bình đẳng. Chính phủ Việt Nam và Nghị viện châu Âu sẽ kiểm soát được vấn đề này và sự hợp tác rất chặt chẽ giữa họ và chúng ta. Bên Việt Nam, tôi nghĩ các cơ quan của Chính phủ đã tham gia rất tích cực và đặc biệt là vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động rất tích cực tham gia vào việc phê chuẩn Công ước số 98 về thương lượng tập thể vào tháng 6/2019 và thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Một trong những tác động lớn là tác động lớn đến công đoàn, hệ thống tổ chức công đoàn. Công đoàn đã có những quyết định rất đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để có thể cùng với các cơ quan có liên quan để xây dựng trình Quốc hội những văn bản Luật Lao động sửa đổi hay thông qua Công ước số 98 để mở đường giải tỏa những điểm nghẽn trong quá trình để thực hiện phê chuẩn hiệp định này.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Như ông Lộc vừa nói, nút thắt trong quá trình đàm phán là vướng mắc liên quan đến điều kiện về lao động, tổ chức công đoàn. Ông hãy thông tin thêm về việc này?

Ông Ngọ Duy Hiểu:Một đặc trưng cơ bản của các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đó là đưa những tiêu chuẩn rất mới gắn với quyền con người với các vấn đề xã hội và vấn đề quản trị quốc gia đưa vào hiệp định. Trong đó vấn đề tiêu chuẩn lao động cũng được xác định là một trong những vấn đề lớn kể cả CPTPP hay EVFTA đây là những điều khoản gần như là cuối cùng để thống nhất được trước khi chúng ta kết thúc đàm phán.

Đối với điều khoản về tiêu chuẩn lao động, Tổng Liên đoàn cũng xác định một tổ chức trong hệ thống, là một thành viên tham gia tích cực chung trong quá trình đàm phán xác định sẽ có những khó khăn nếu với những yêu cầu của Hiệp định với tổ chức mình. Tuy nhiên đặt lợi ích của một tổ chức trong lợi ích tổng thể của một quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi hoàn toàn thống nhất với việc công đoàn Việt Nam chấp nhận phải cạnh tranh với tổ chức khác ngoài công đoàn truyền thống của chúng ta.

Như vậy trong hệ thống chính trị của chúng ta, công đoàn là tổ chức đầu tiên và có lẽ là duy nhất đối diện với đa tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta. Đây là một vấn đề chưa có tiền lệ trong 90 năm, nhưng vì lợi ích quốc gia chúng tôi đã thống nhất nội dung này.

Chúng tôi xác định khi có sự cạnh tranh vừa là một thách thức vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực của mình. Vì vậy Tổng Liên đoàn thể hiện sự đồng ý rất cao nhất trí với cơ quan tham gia đàm phán về việc cho phép ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Sau này thể hiện rất rõ trong Bộ Luật Lao động. Cùng với đó công đoàn thống nhất rất cao việc phê chuẩn Công ước số 98 về công nhận quyền thương lượng tập thể. Trên cơ sở những đề xuất như vậy, chúng tôi nhận được sự đồng tình rất cao của các đại biểu Quốc hội của chúng ta đối với Bộ Luật Lao động cũng như Công ước số 98.

Thời gian tới chúng tôi sẽ cụ thể hóa, thực thi, cố gắng vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội để cùng cả nước đi lên trong tiến trình cụ thể hóa và triển khai Hiệp định này.

Ông Lương Hoàng Thái: Như anh Lộc có chia sẻ thường trong quá trình đàm phán thời điểm khó nhất là thời điểm kết thúc đàm phán, phần nào nữa là lúc khởi động quá trình đàm phán đó.

Ở hai giai đoạn này, chúng ta đều vượt qua được. Khi chúng ta khởi động những viên gạch đầu tiên đặt rất sớm. Cao Ủy thương mại EU lúc đó là ông Pascal Lamy sau này ông là Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, ông gạch Việt Nam đề xuất hướng giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tết toàn cầu thông qua việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Nhưng lúc đó lãnh đạo chúng ta có tầm nhìn rất xa, như vậy là không được, tầm nhìn quan hệ với EU là phải đến một giai đoạn bình đẳng nghĩa là thông qua quan hệ Hiệp định thương mại tự do. Khi chúng ta đặt vấn đề, ông Pascal cười và nói Việt Nam hơi lãng mạn, thời điểm đó là năm 2004 vị trí của chúng ta rất khác so với bây giờ. Nhưng chúng ta kiên trì thuyết phục, sau đó ông Pascal cười và nói tôi là người Pháp, tôi cũng lãng mạn, và chúng tôi bắt tay vào thực thi theo định hướng đó.

Ít tai ngờ thời điểm đó chúng ta có thể cất cánh quan hệ giữa Việt Nam và EU ngay những năm đầu của thập niên 2000.

Đặc biệt giai đoạn kết thúc là giai đoạn cực kỳ phức tạp. Khi kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do thì theo yêu cầu nội bộ từ phía EU, tách Hiệp định ra thành hai Hiệp định mới là Hiệp định thương mại tự do và một phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư để đưa về các nước thành viên phê chuẩn.

Chúng ta như chạy một quãng đường marathon đi đến cuối chặng đường này, bây giờ phải đứng lên làm lại, tách ra thành hai hiệp định mới, lúc đó có rất nhiều người mệt mỏi nhưng chúng ta có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành rất quyết tâm.

Mặc dù chúng ta rất mệt nhưng cần nỗ lực hơn để hoàn thành Hiệp định. Chúng ta đi các bước, qua rất nhiều bước khó khăn để vận động từ các nước thành viên thông qua sau đó đến nghị viện châu Âu với nhiều đảng phái, ý kiến khác nhau. Đặc biệt hiệp định của chúng ta là hiệp định đầu tiên EU ký với một nước đang phát triển ở trình độ như thế này. Và cũng là hiệp định đầu tiên mà Nghị viện mới của châu Âu thông qua. Nghị viện mới được bầu cử thông qua khung cảnh các phong trào bảo hộ thương mại ở trên thế giới đang lên rất nhiều.

Chúng ta đã vận động và vượt qua được các khâu rất khó khăn và đã thành công. Đây là bước rất khó khăn những rất đáng nhớ.

Những ngành hàng nào được hưởng lợi nhiều nhất và ngành hàng nào chịu sức ép nhất khi EVFTA được triển khai, thưa ông Vũ Tiến Lộc?

Ông Vũ Tiến Lộc: Những ngành hàng, những lĩnh vực Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất là dệt may, da giày. Còn những lĩnh vực bất lợi như hóa chất, phương tiện vận tải, sắt thép, dược phẩm, nông sản chế biến… những lĩnh vực này chúng ta lường trước được sức ép cạnh tranh, chính vì lường trước được nên chúng ta đưa ra lộ trình 3 năm, 7 năm thậm chí là cao hơn. Tôi nghĩ rằng việc này vừa với sức vươn lên của DN và các DN phải chấp nhận đương đầu với sự cạnh tranh này và phải nỗ lực, cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình chứ không thể chờ đợi vào sự bảo hộ. Lịch sử mở cửa của chúng ta cho thấy những lĩnh vực nào sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, từ bỏ bảo hộ từ rất sớm thì đang có năng lực cạnh tranh cao, còn những lĩnh vực luôn luôn trong sự ôm ấp của vòng tay bảo hộ thì không phát triển được. Hiện nay, đối với một số ngành công nghiệp có lợi thế thì việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là công việc cấp bách hàng đầu, vì nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ thì chúng ta không thể tận dụng được các lợi thế về thuế quan. Đây có lẽ là lúc chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này. Phát triển DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ là vấn đề quan trọng. Hội nhập không chỉ là vấn đề của các DN lớn, của các tập đoàn lớn mà sẽ là việc của cả cộng đồng DN, không loại trừ các hộ nông dân, các hộ kinh doanh cá thể. Chính phủ đang có đề xuất quan trọng là đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp để minh bạch hóa, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này để có thể tham gia vào quá trình hội nhập. Quá trình hội nhập cũng phải đảm bảo tính bao trùm và mang lại lợi ích cho người lao động, mang lợi ích cho các hộ nông dân, các hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ thì hội nhập mới thành công.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa ông Thái, trước những phân tích của ông Lộc thì bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng DN như thế nào để có thể khắc phục được những thách thức và có thế tận dụng được những cơ hội?

Ông Lương Hoàng Thái: Ngay khi chúng ta đi vào giai đoạn cuối cùng của phê chuẩn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tất cả các bộ ngành chuẩn bị ngay chương trình hành động, để khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn thực thi thì đã sẵn sàng cơ chế để đi vào cuộc sống ngay. Đầu tiên, các cơ chế, chính sách được đồng bộ hóa, phù hợp cách chơi mới khi chúng ta tham gia Hiệp định, chúng ta hài hòa quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính hướng đến cách làm mà được quốc tế thừa nhận, một mặt cần nâng cao năng lực cạnh tranh, mặt khác tận dụng được cơ hội của Hiệp định này. Thứ hai, chúng ta cần xây dựng cơ chế cung cấp được thông tin để DN nắm được quy định của Hiệp định, đặc biệt là so với cơ chế hiện hành như thế nào để chúng ta chuyển đổi từ cơ chế này sang cơ chế kia cho phù hợp nhất. Ví dụ như thủ tục xuất xứ hàng hóa, trước đây hệ thống EU áp dụng cho hàng của chúng ta nếu như được hưởng cơ chế GSP thì khác so với chúng ta được hưởng theo cơ chế Hiệp định thương mại tự do. Theo cơ chế mới, dù thuế đều bằng 0 nhưng cách áp quy tắc xuất xứ lại khác. Những thông tin như thế này cần truyền tải thế nào để DN nắm được những quy định mới của EU liên quan đến Hiệp định này. Nhóm giải pháp nữa cũng quan trọng đó là Hiệp định thương mại tự do xây dựng cơ chế hai bên cùng hưởng lợi và quy định quy tắc xuất xứ rất chặt để tránh trường hợp hàng nước khác chuyển khẩu ở Việt Nam để hưởng những ưu đãi mà mình mất rất nhiều công phấn đấu mới đạt được, Eu không muốn điều này và chúng ta càng không muốn. Bên cạnh đó, cũng phải có những chế tài nghiêm khắc với những DN vi phạm, bởi EU coi nếu có vài DN vi phạm trong một ngành thì sẽ có những hạn chế với cả ngành đó, nếu trường hợp đó xảy ra thì rất đáng tiếc, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để không xảy ra.

Thưa ông Ngọ Duy Hiểu, các vị khách mời đều khẳng định yếu tố về nguồn nhân lực là thách thức của chúng ta hiện nay. Theo khảo sát của VCCI, có đến 55% DN cho rằng họ khó tuyển dụng lao động chất lượng cao. Cũng trong khảo sát khác, 85% DN rất khó tuyển chọn nhân sự quản trị cấp cao. Vậy ông nghĩ thế nào về vấn đề này và theo ông cần làm gì để khắc phục?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Giải quyết vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi chính sách rất tổng thể, những chính sách quốc gia, chiến lược quốc gia. Công đoàn kết nạp thành viên khi họ chính thức là người của DN, chúng tôi không tham gia vào quá trình trước đó của họ. Ở góc độ công đoàn cũng cần tham gia tích cực hơn đối với nhiệm vụ này thông qua việc công đoàn đã xây dựng đề án “Công đoàn đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, trong đó chúng tôi xây dựng những nhánh cụ thể. Ví dụ như tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người lao động, nâng cao trình độ nghề. Công đoàn tham gia động viên, khích lệ người lao động trong thay đổi thói quen, tác phong công nghiệp, ý thức tuân thủ kỷ luật. Cùng với đó, chúng tôi phát động phong trào thi đua của từng DN, tổ chức những lớp tập huấn nghề, hiểu biết tuân thủ pháp luật. Những việc làm như vậy sẽ góp phần nâng cao trình độ người lao động, nhất là trình độ tay nghề. Theo tôi cùng lúc chúng ta tham gia hai Hiệp định thì sẽ cần phải điều chính chiến lược quốc gia về đào tạo nghề cũng như đổi mới về giáo dục.

Còn quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc về vấn đề này ra sao?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ là cần có nỗ lực đột phá hơn nữa trong lĩnh vực nghề nghiệp và giáo dục đại học nâng cao chất lượng nguồn lao động. Suy cho cùng đó chính là chìa khóa để chúng ta có thể bắt được cơ hội của quá trình hội nhập. Muốn như vậy cần thực học, học mang tính thực hành cao. Như vậy thời gian học của các trường ĐH cần tính lại, có cần đào tạo đến 4,5 năm hay không, thời đại thay đổi thì nền giáo dục cũng phải thay đổi. Muốn phát triển thì giáo dục phải đi trước nên tôi cho rằng đầu tư cho giáo dục là vấn đề quan trọng. Quay trở lại vấn đề thực hiện các cam kết, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, việc nội luật hóa, việc thực hiện các cam kết chỉ là một mặt của vấn đề, vấn đề quan trọng hơn là thúc đẩy thể chế nhiều hơn, rộng hơn cam kết để thực sự tạo ra không gian phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Mở cửa với thế giới quan trọng nhưng mở cửa trong nước còn quan trọng hơn, đó chính là tinh thần của cải cách, và khi nâng cao được năng lực cạnh tranh thì chúng ta sẽ hội nhập thành công. Chúng ta đã trải qua quãng đường gian nan với cả mồ hôi và nước mắt, đến ngày hôm nay chúng ta không phải thở phào là ký xong mà cần lo lắng, trăn trở làm sao thực hiện thành công mới là quan trọng.

Điều đáng lo phát sinh các tranh chấp thương mại. Thưa ông Tuấn, về phía ngành nông nghiệp, ngành chuẩn bị như thế nào để bảo quyền lợi chính đáng cho người nông dân, sản phẩm của nông dân, cũng như lường trước để cảnh báo, không rơi vào những tình huống nếu có tranh chấp xảy ra?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Trước khi nói về tranh chấp, khi đưa ra kiện thì trong nhà chúng ta phải sạch sẽ nên trong thời gian vừa qua ngành nông nghiệp khi tham gia các Hiệp định thì đảm bảo các tiêu chuẩn bên phía Châu Âu là quan trọng nhất. Chúng tôi đã tập trung nỗ lực xử lý một loạt vấn đề như xử lý gỗ đảm bảo chứng chỉ bền vững, gỡ thẻ vàng với ngành thủy sản, tập trung nỗ lực cao nhất để làm sao xây dựng được mã số vùng trồng… Những việc đó phải làm từ câu chuyện chính sách, khung pháp lý, đầu tư hỗ trợ, tuyên truyền vận động với người dân và DN. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với bộ Công Thương triển khai theo dõi thương mại nông nghiệp của thị trường Liên minh Châu âu. Vấn đề cuối cùng, nếu có tranh chấp thì xử lý thế nào? Chúng tôi đã có chủ trương phối hợp với các hiệp hội để có thông tin đầy đủ, thậm chí liên kết với hiệp hội, ngành hàng bên Châu âu để nếu có việc gì chúng ta có thể xử lý trước khi đưa ra kiện tụng. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để tham gia vào câu chuyện tranh chấp, câu chuyện hàng giả để xây dựng cơ chế hòa giải trong EVFTA./.

Nhóm tác giả Phạm Quỳnh Hoa, Văn Minh Ngọc -Đỗ Văn Cường, Phạm Nguyễn Quang Thương, Phạm Thị Tiên Dung - Cổng thông tin điện tử Chính phủ xuất bản ngày 14/02/2020

Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận