![]() |
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường |
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, quy định như vậy là cần thiết và bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp. Nêu thực tế việc người dân cầm đơn đề nghị tòa giải quyết nhưng không có cơ quan nào giải quyết, đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho rằng, quy định như vậy “sẽ giúp người dân không phải đi loanh quanh cho đời mỏi mệt” và ông Hà khẳng định: “Tòa có nhiệm vụ bảo vệ công lý, con người, quyền công dân, do vậy giao cho tòa án là phù hợp”.
Tán thành quan điểm này, một số đại biểu cho ý kiến chi tiết hơn rằng, trong trường hợp này, với những vụ việc đơn giản, tòa án có thể áp dụng tinh thần của Hiến pháp, nguyên tắc chung, nguyên tắc tương tự của luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Còn với những vụ việc phức tạp không thể giải quyết ngay, tòa án có thể kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Nguyên tắc này là “Đòi hỏi từ thực tiễn của cuộc sống, là nguyện vọng hợp lý, chính đáng của người dân. Đây cũng là một quy định nhằm khắc phục bất cập lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay” - Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) khẳng định.
Ngoài quy định trên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi lần này cần phải đưa ra các quy định, cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo hướng, việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cho rằng, tranh tụng trong xét xử không chỉ là tranh tụng tại phiên tòa mà là quá trình tố tụng để các đương sự trong vụ án thực hiện việc thu thập, trình bày, cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia phiên tòa… kể từ khi nhận đơn khởi kiện.
“Nói cách khác, tranh tụng chính là chứng minh bằng việc đưa ra tài liệu chứng cứ, căn cứ pháp lý, đưa ra lý lẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” - đại biểu Trường nói.
Với mong muốn Bộ luật tố tụng dân sự đưa ra quy định xác định cơ quan giám sát việc tuân thủ pháp luật của tòa án, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, trong hoạt động tố tụng dân sự, Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, trong đó có nội dung kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án.
Về trách nhiệm của thẩm phán, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) đề nghị, phải có quy định trách nhiệm cụ thể ngay trong Bộ luật này vì theo ông Nghĩa, trên thực tế có trường hợp trì hoãn trong xử lý các vụ việc dân sự.
“Thẩm phán đi học nghị quyết, họp công đoàn, học cao cấp lý luận chính trị, nghỉ phép thì đương sự lãnh đủ”- đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói và kiến nghị thêm, ngoài ra: “Phải có quy định trách nhiệm của tòa án với những bản án đã tuyên khi có những thiếu sót, nghiệp vụ kém, tắc trách của thẩm phán”. |