Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá là sản phẩm gây nghiện do có chứa nicotine là chất gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Vì vậy, người hút thuốc lá rất khó bỏ ngay cả khi biết rất rõ về tác hại của việc hút thuốc. Cùng với đó là sự xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Shisha... Đặc biệt, thuốc lá điện tử được quảng cáo và bán nhiều nhất là trên mạng xã hội. Để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm mới này tại các nước trong đó có Việt Nam, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đã đưa ra các quảng cáo các sản phẩm thuốc lá này ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường, giúp cai nghiện thuốc lá điếu,… điều này gây hiểu nhầm cho người sử dụng.
![]() |
Tổ chức dịch vụ cai nghiện thuốc lá cần được triển khai đồng bộ |
Nhằm tuyên truyền rộng rãi về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, thời gian qua Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) tiếp tục duy trì và tăng cường hiệu quả công tác tổ chức tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá cho người có nhu cầu cai thuốc lá. Các hoạt động tập trung vào việc tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sỹ, tư vấn viên trong bệnh viện về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá, truyền thông về tác hại thuốc lá và lợi ích của cai nghiện thuốc lá cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hành lang pháp lý và văn bản hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá, các hướng dẫn chuyên môn về tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá đã được xây dựng và tổ chức thực hiện bài bản.
Đến hết năm 2020, với mạng lưới 28 nhân viên tư vấn chuyên trách và 136 cộng tác viên là các bác sỹ, điều dưỡng tại các khoa lâm sàng được đào tạo bài bản hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các bệnh viện được duy trì tương đối hiệu quả. Theo Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020 cho thấy 72,2% người hút thuốc đến cơ sở y tế được cán bộ y tế khuyên bỏ thuốc lá, 41,8% đã bỏ thuốc trên 10 năm trong số những người đã từng hút thuốc.
Cũng theo Báo cáo của Quỹ PCTHTL, từ năm 2017-2020 đã có trên 100.200 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá trực tiếp tại các bệnh viện, trong đó có gần 7.000 lượt bệnh nhân tư vấn chuyên sâu. Trên 5.200 số bệnh nhân có hồ sơ theo dõi, có 727 bệnh nhân cai nghiện thành công.
Kết quả tư vấn qua tổng đài từ năm 2015-2020 có trên 81.000 cuộc gọi trong đó có trên 1/2 số cuộc gọi được tư vấn và có hồ sơ theo dõi cai nghiện; trong số này có 1.111 bệnh nhân cai nghiện thành công trong hơn 1 năm.
Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, công tác tổ chức cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như: nhận thức của người dân về lợi ích của cai nghiện thuốc lá còn hạn chế. Các cơ sở y tế tại các tuyến tỉnh, huyện, xã chưa thực sự quan tâm và chủ động triển khai tư vấn cai nghiện, thiếu các thuốc thiết yếu trong điều trị cai nghiện thuốc lá. Một số mô hình mới triển khai ở giai đoạn thí điểm... Ngoài ra, sự xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được quảng cáo với thông tin sai sự thật và gây nhầm lẫn cho người sử dụng rằng các sản phẩm thuốc lá mới giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống đã gây không ít khó khăn cho công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Bởi vậy, cai thuốc lá phải được đưa vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; công nhận hỗ trợ cai thuốc lá là một thành phần thiết yếu của bao phủ y tế toàn dân. Đây là chia sẻ của tiến sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tại hội thảo Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và định hướng kế hoạch hoạt động về tổ chức cai nghiện thuốc lá giai đoạn 2021-2022.