So với nhiều nghề truyền thống khác, nghề chạm bạc không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, thực tế, những nghệ nhân về chạm bạc không có nhiều, bởi lẽ, đây là công việc yêu cầu sự công phu, tỉ mỉ, chính xác hoàn hảo, đòi hỏi trình độ tay nghề người thợ rất cao. Để làm ra một sản phẩm chạm bạc hoàn chỉnh, cần tới 10 công đoạn khác nhau. Trong đó quan trọng nhất là các công đoạn: Trơn (cắt xẻ nguyên liệu, đấu là hàn các chi tiết), đậu (chạm những họa tiết hoa văn) và chạm (kĩ thuật quyết định sự tinh xảo hay không của sản phẩm).
Sở dĩ làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được nhiều người biết tiếng bởi từ nhiều đời nay, cha truyền con nối, người thợ chạm bạc Đồng Xâm vẫn lưu giữ được kỹ thuật thúc nổi các họa tiết, hoa văn rất sắc nét và tinh xảo, đặc biệt được làm hoàn toàn bằng tay. Thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc, cũng được xem là một bí quyết mà ít người qua được các nghệ nhân chạm bạc ở Đồng Xâm.
Nếu như ngày xưa, người thợ ở làng Đồng Xâm thường chạm bạc các sản phẩm trang sức, đồ thờ cúng, hàng lưu niệm để bán cho vua chúa, quan lại và thương nhân nước ngoài. Thì ngày nay, Đồng Xâm không chỉ có các đại lý phân phối khắp cả nước, nhất là ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; mà còn sản xuất theo các đơn đặt hàng nhiều đồ xuất khẩu, đồ kỷ niệm, ngoại giao.
Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng, bên cạnh các đồ thờ cúng (bát hương, lư hương), người thợ chạm bạc ở Đồng Sâm còn chế tác ra rất nhiều đồ trang sức (túi sách, nhẫn, vòng), đồ mỹ nghệ (tranh, ảnh) có những hình ảnh tượng trưng cho đất nước Việt Nam như: Bông Sen, tháp Rùa, chùa Một Cột… Đặc biệt, ngoài nguyên liệu bạc, nhiều nghệ nhân ở Đồng Xâm còn có thể chạm trên cả vàng, đồng mà vẫn đảm bảo tính mỹ thuật và kỹ thuật.
Tính đến những bước đi xa và bền vững cho các nghề truyền thống của Việt Nam, năm 2012, Chương trình hỗ trợ phát triển “Tài sản trí tuệ Việt” (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã hỗ trợ làng nghề Đồng Xâm thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề chạm bạc Đồng Xâm”. Nhờ đó, đến nay, mặc dù thị trường xuất hiện thêm nhiều loại hình trang trí mới, nhưng làng Đồng Xâm vẫn duy trì khoảng 150 cơ sở sản xuất với trên 4.000 lao động, doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Sản phẩm làng nghề Đồng Xâm cũng đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia - đây không chỉ là vinh dự mà còn là ghi nhận sự bền bỉ, năng động và nỗ lực duy trì sức sống cho làng nghề của những người thợ chạm bạc ở Đồng Xâm.
![]() | |||||
|
Đến nay, sản phẩm làng nghề chạm bạc được đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể của làng nghề như Đồng Xâm là rất hiếm. Chính vì vậy, để các làng nghề chạm bạc có thể duy trì và phát triển nghề, rất cần những chính sách hỗ trợ cần thiết - vừa giúp tạo việc làm cho người dân, vừa giữ lại nét văn hóa đặc sắc của các địa phương. |