Tiêu thụ hải sản tồn kho tại các tỉnh miền Trung: Còn e dè

Trong tháng 10/2016, nhiều đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến một số tỉnh miền Trung kiểm tra việc tiêu thụ hải sản đang tồn kho. Điều dễ nhận thấy, trong khi các doanh nghiệp (DN) mong muốn giải phóng nhanh nguồn hàng thì các địa phương còn e dè, chậm công bố, xác nhận các lô hàng hải sản an toàn khiến nhiều DN khốn đốn.
\"\"
Chậm công bố, xác nhận các lô hàng hải sản an toàn khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn

Ông Phan Hùng Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế - cho biết, qua kiểm tra 4 DN thu mua thủy sản ở Cảng Thuận An, huyện Phú Vang đang tồn kho 493 tấn cá biển. Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế sớm công bố kết quả kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các lô thủy sản tồn kho để các DN biết cách xử lý.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Diễn - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế Thừa Thiên Huế) - cho hay: “Chúng tôi lấy mẫu, đã có kết quả, trừ số hải sản tồn kho ở cơ sở Chính Thủy không an toàn (đã niêm phong), tất cả số hải sản tồn kho còn lại đều an toàn. Tuy nhiên, việc thông tin chính thức thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, chúng tôi chỉ báo cáo kết quả”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình, đến giữa tháng 10/2016, tại 30 cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn còn tồn đọng 3.989 tấn hải sản các loại đang được giữ lạnh ở các kho lớn tại cảng cá sông Gianh, Nhật Lệ… Điều đáng nói là tất cả các lô hàng hải sản này đều đã được các cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận đánh bắt ở các ngư trường xa nhưng vẫn không tiêu thụ được. Nguyên nhân do tâm lý e ngại của người người tiêu dùng. Và điều quan trọng, như ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Chi cục Thủy sản chưa bao giờ cấp Giấy chứng nhận an toàn thủy sản mà chỉ cấp Giấy chứng nhận thủy sản khai thác ở biển an toàn, cách bờ 20 hải lý, căn cứ định vị vệ tinh (theo Công văn 3441 của Bộ NN&PTNN). Giấy chứng nhận này như tấm “giấy thông hành” để các xe lạnh đưa đi các thị trường khác nhau. Riêng Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hải sản do Bộ Y tế cấp và cuối cùng có được tiêu thụ hay không lại thuộc về thời điểm công bố của UBND tỉnh.

Vấn đề đặt ra là dù đã bị niêm phong chờ tiêu hủy nhưng cũng phải trải qua nhiều công đoạn kéo dài khiến DN gặp khó khăn. Đơn cử như cơ sở kinh doanh thủy hải sản Dũng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) có 20 tấn cá bị Sở Y tế tỉnh Quảng Trị kết luận nhiễm phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg từ tháng 6 nhưng để hơn 3 tháng sau mới có quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị cho tiêu hủy. Việc chậm xử lý khiến chủ cơ sở này phải chi 25 triệu đồng tiền điện mỗi tháng để bảo quản, đồng thời gây thiếu tủ đông để cấp đông cá mới.

Để tiêu thụ hải sản tồn kho cần được sự kiểm định, cho phép của nhiều cơ quan liên quan nhất là UBND các địa phương. Tuy nhiên, ngư dân và các DN thu mua hải sản mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm tổ chức kiểm tra, kiểm định các lô hàng hải sản tồn kho. Lô hàng nào không bảo đảm phải tiêu hủy, cũng cần làm nhanh để giúp các cơ sở thu mua hải sản vượt qua khó khăn, tiếp tục là cầu nối đưa những sản phẩm thủy, hải sản an toàn của ngư dân đến với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế:

Chính sự chậm trễ trong các khâu phối hợp khiến lượng hải sản ở 4 tỉnh miền Trung còn tồn đọng rất lớn, gây khó khăn về kinh tế cho DN.

Trần Minh Tích
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận