![]() |
Tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ có mức lãi suất ưu đãi |
Tài trợ 600 tỷ đồng vốn cho Dự án Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, lãnh đạo Vietcombank cho biết: Đây sẽ là một trong những dự án mở màn của gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mà ngân hàng này cam kết dành cho vay các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
ĐKT là nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao hàng đầu thế giới lần đầu tiên tại Việt Nam, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật, Mỹ, Israel, có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất với sản lượng dự kiến 178 triệu quả trứng gà sạch/năm. Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - chia sẻ: Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về triển khai gói tín dụng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, Vietcombank đăng ký gói tín dụng 10.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực này với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay và ưu đãi lãi suất thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác. “Đây là dự án có sự đầu tư vào công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất với dây chuyền sản xuất theo chuỗi, Vietcombank hy vọng đây là hướng đi mới cho việc đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao”- ông Thành khẳng định.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Cần phải có đánh giá, dự báo cụ thể về thị trường sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao để ngành ngân hàng có hướng triển khai tín dụng, bởi đây là lĩnh vực mới, rất rủi ro với cả ngân hàng và doanh nghiệp. |
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với quyết tâm của Chính phủ thông qua chủ trương giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành liên quan đưa gói tín dụng 100.000 tỷ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năm 2017 sẽ là năm nguồn vốn dành cho lĩnh vực này thẩm thấu sâu và nhanh tới nền kinh tế. Thực tế, trước khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở cho vay tín dụng nông nghiệp công nghệ cao lên 100.000 tỷ đồng thì các ngân hàng thương mại cũng đã đầu tư cho nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này với số vốn giải ngân khoảng 300 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với lãi suất thông thường.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, hai “tư lệnh ngành” của NHNN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nêu hướng giải quyết các vướng mắc trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Theo đó, Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ hướng dẫn cụ thể về đối tượng tham gia chương trình, tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp, tiêu chí nông nghiệp sạch… để NHNN có cơ sở chỉ đạo các ngân hàng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguồn vốn cho nông nghiệp công nghệ cao nên theo hướng các ngân hàng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường. Bộ NN&PTNT sẽ cùng NHNN xem xét và rút kinh nghiệm từ các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã được vay vốn trong thời gian qua để có hướng đi cụ thể, chính xác nhất trong triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, nhiều ngân hàng sẵn sàng tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, như Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã cam kết 10.000 tỷ đồng. NHNN đã triệu tập cuộc họp với nhiều ngân hàng thương mại và nhận được sự đồng thuận ủng hộ cho vay các dự án thuộc lĩnh vực này với mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn mức thông thường nhưng trên cơ sở phải có tiêu chí cụ thể và các dự án phải bảo đảm khả thi về thương mại. Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, như nhà kính, nhà lưới… làm cơ sở để thực hiện giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn.