![]() |
Rau quả tươi của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu vào EU Ảnh: Uyên Ly |
Các thành viên của EU đều hiện diện
Cả 27 thành viên EU, ở mức độ khác nhau đều buôn bán với Việt Nam. Cà phê Việt Nam được giao dịch tại thị trường Luân Đôn, Anh. Việc Việt Nam thường tham gia Hội chợ triển lãm thủy sản quốc tế tại Bỉ, được xem là đầu mối để thủy sản của Việt Nam quảng bá vào EU. Pháp có lẽ là nước có diện mặt hàng được trao đổi đa dạng nhất nhờ mối quan hệ truyền thống giữa hai nước và thông qua cộng đồng kiều bào ta sinh sống lâu đời tại đây. Những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU như Đức, Anh, Pháp, Hà Lan luôn có tốc độ tăng trưởng trung bình trên dưới 20%/ năm. Thụy Điển, Áo, Ai Len, Bồ Đào Nha là những thị trường không lớn, sức tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam chưa nhiều, kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng cũng tăng qua các năm. Dĩ nhiên, những năm qua do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên có năm, có nước không bằng năm trước, nhưng chỉ nhất thời, sau đó đã phục hồi.
Mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều có mặt
Giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, đồ gỗ, máy vi tính, sản phẩm nhựa, hồ tiêu, điện thoại…(*), “mỗi thứ một vẻ, mười phân vẹn mười”, tạo nên bức tranh ngày thêm tròn trịa của mối quan hệ giao thương đầy triển vọng. Giày dép liên tục từ năm 2007 đến nay đều vượt qua ngưỡng 2 tỷ USD. Chương trình ưu đãi phổ cập thuế quan (thuế suất hạ từ 13-14% xuống còn 3-4%) áp dụng từ 1/1/2014 đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu vào EU, tạo đòn bẩy để giày dép có sức cạnh tranh cao ở thị trường EU. Điều này mang lại cơ hội “kép” vì thu hút đơn hàng của nhiều nước, nhất là từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, góp phần để ngành giày dép năm 2014 lần đầu tiên vượt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD. May mặc bám sát giày dép, từ năm 2007 đến 2010 vượt ngưỡng 1 tỷ USD, và từ 2011 đến nay đạt trên 2 tỷ USD. Cũng từ 2011 đến nay, thủy sản, cà phê cũng bổ sung vào “câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD”. Điện thoại “đi sau”, tới 2011 mới ra mắt nhưng ấn tượng bởi kim ngạch tăng “khủng”, từ 2011 là 2,8 tỷ đến 2013 đã tới 8 tỷ USD, 2014 đà tăng trưởng đó vẫn được duy trì. Đây là một trong những minh chứng cho sự tăng trưởng đột biến xuất khẩu điện thoại của nước ta, từ chỗ không có tên tuổi vượt lên chiếm ngôi đầu từ năm 2013, vững vàng vị thế đó trong năm 2014. Do liên tục tăng về lượng và được giá trên thị trường thế giới, nên năm 2014 hồ tiêu là mặt hàng đầu tiên xuất khẩu vượt ngưỡng một tỷ USD. Điềm lành này cũng ứng với xuất khẩu hồ tiêu vào EU. Mới 9 tháng 2014 kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu vào EU đã gấp 28 lần năm 2007. Một số mặt hàng khác có kim ngạch không lớn nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng (từ 5 - 10%/năm) gồm: sản phẩm từ chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, túi xách, vali, ô dù, hạt điều... Các nhóm mặt hàng chủ lực nói trên chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Nhập về những mặt hàng thiết yếu
Nhìn danh mục các mặt hàng nhập khẩu xếp theo giá trị kim ngạch, có thể thấy rõ tác động của chính sách điều hành nhập khẩu. Những mặt hàng chính là: Máy móc thiết bị, tân dược, nguyên phụ liệu dệt may da, sắt thép các loại, phân bón các loại, phương tiện vận tải phụ tùng… đều là những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất.
Máy móc thiết bị luôn đạt từ 2 tỷ USD trở lên, đây là sản phẩm từ nền công nghệ gốc. Kế tiếp là tân dược - sản phẩm của nền y học tiên tiến phương Tây. Nguyên phụ liệu dệt may da để làm theo những đơn hàng của chính thị trường EU…
Vấn đề đặt ra
Thực ra sự thăng hoa sẽ ấn tượng hơn, nếu không có những trục trặc, nhưng đã được giải tỏa từng bước. Xe đạp xuất khẩu của Việt Nam bị EU áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 nên xuất khẩu mặt hàng này giảm, năm 2009 giảm mạnh còn khoảng 1 triệu USD. Từ 15/7/2010, xe đạp của Việt Nam xuất khẩu vào EU không còn chịu thuế chống bán phá giá. Giày mũ da của Việt Nam xuất sang EU cũng bị áp thuế chống bán phá giá, với mức thuế là 10% từ tháng 9/2006. Từ 31/3/2011, thuế chống bán phá giá của EU đối với giày mũ da Việt Nam, đã được bãi bỏ.
Ngày 17/12/2014, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nafiquad) nhắc 19 doanh nghiệp chế biến thủy sản tìm nguyên nhân “phạm quy” về an toàn, vệ sinh và khẩn trương khắc phục. Theo đó, ngày 10/12, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng châu Âu (DG SANCO) thông báo tình hình các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh khi xuất khẩu vào EU. Theo công thư của DG SANCO, nếu không nhận được trả lời từ phía Việt Nam, cơ quan thẩm quyền EU sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung có thể bao gồm cấm nhập khẩu từ các doanh nghiệp bị cảnh báo hoặc các biện pháp mạnh hơn ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.
Câu chuyện này không mới, nhưng cũng không đến nỗi bế tắc. Từ 30/6/2014, rau quả tươi của Việt Nam đã được cấp phép kiểm dịch để xuất khẩu vào EU sau hơn một năm bị ngưng lại. Nguyên cớ là cách đó 1 năm EU ngừng cấp giấy phép kiểm dịch cho rau quả tươi xuất khẩu là do vào đầu năm 2012 có 5 loại rau, quả tươi là húng quế, ớt, cần tây, mướp đắng và ngò gai của Việt Nam không đáp ứng điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng của EU còn thông báo nếu tiếp tục phát hiện thêm 5 lô hàng bị nhiễm vi sinh vật sẽ ngưng nhập khẩu tất cả các mặt hàng rau quả, củ từ Việt Nam. Do đó, cuối tháng 3/2012, Cục Bảo vệ Thực vật đã ngừng cấp giấy kiểm dịch cho tất cả các mặt hàng rau quả tươi nói trên nhằm tránh cho những loại trái khác như thanh long, bưởi… bị vạ lây.
Có những bao cà phê đã tới cảng giao hàng nhưng bị trả lại, có phần do thu hái chưa đủ độ chín, nhưng đã được khắc phục. Đó cũng là bài học còn nóng hổi.
Nghe những thông tin trên, chắc mỗi doanh nghiệp vì lợi ích của mình, sức khỏe của người tiêu dùng và danh dự quốc gia sẽ thấm thía. Đồng hành với họ là các cơ quan quản lý thường xuyên bám sát tình hình, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, không phải chỉ với EU mà cả các thị trường khác, kể cả cho tiêu dùng trong nước.
(*) Sắp xếp thứ tự theo kim ngạch cùng thời gian có mặt tại thị trường EU, mà không theo nhóm mặt hàng của Biểu thống kê chung