Do đó, một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam là nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ chủ doanh nghiệp nhằm tìm cách tiếp cận mới cho phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp nói chung và phụ nữ khởi nghiệp nói riêng được Chính phủ quan tâm, thúc đẩy thông qua việc đẩy mạnh cải cách, liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam có hơn 102.000 doanh nghiệp mới thành lập, không ít trong số đó là các doanh nghiệp do phụ nữ khởi sự kinh doanh. Doanh nhân nữ đóng góp 30% vào GDP cả nước, tạo việc làm cho 30% lực lượng lao động, nhất là lao động nữ. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ được đánh giá cao trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, thúc đẩy sản xuất sạch và an toàn. Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh”(FLOW/EOWE) do Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đồng tổ chức vào ngày 8/11 tại Hà Nội. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp” do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
![]() |
Với các chương trình hỗ trợ của Hội LHPN Việt Nam, nhiều phụ nữ đã khởi sự kinh doanh thành công, khẳng định vai trò trong lĩnh vực kinh tế và thực hiện trách nhiệm xã hội |
Một trong những hoạt động trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam đã và đang được tích cực triển khai là cung cấp thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chia sẻ về chiến lược tài chính toàn diện, tìm kiếm các giải pháp tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 (Đề án 939) đã đạt được kết quả khả quan sau hai năm thực hiện.
Cụ thể, thông qua việc thu thập, sàng lọc ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), Hội LHPN đã tổ chức hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn hoàn thiện kế hoạch kinh doanh cho hơn 33.000 phụ nữ có ý tưởng; tổ chức các hoạt động hỗ trợ hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh, qua đó 8.000 doanh nghiệp đã được tư vấn, đào tạo, vay vốn, 510 doanh nghiệp thành lập mới; khoảng 10.000 phụ nữ đã được hỗ trợ vốn với tổng số vốn là 110 tỷ đồng.
Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hiệp hội LHPN Việt Nam cho biết, các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh của Hội LHPN Việt Nam đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các đối tượng được hỗ trợ, đặc biệt là đối với những người phụ nữ tại vùng sâu vùng xa. Điển hình là người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận, từ người phụ nữ không được tiếp xúc rộng rãi với cộng đồng, không được sử dụng điện thoại thông minh, không có tiếng nói trong gia đình, sau ba năm tham gia Dự án FLOW/EOWE “đã thay đổi hoàn toàn, trở thành một người phụ nữ hoàn toàn tự tin, phát huy được khả năng kinh tế, thực hiện được quyền năng của người phụ nữ trong gia đình, có niềm tin vào cuộc sống”.
![]() |
Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hiệp hội LHPN Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tiếp cận đổi mới sáng tạo |
“Dự án cần tiếp tục chia sẻ những cách thức, bước đi để thực hiện nhân rộng mô hình này ra cả nước nhằm hỗ trợ, kết nối để đem đến quyền năng kinh tế cho chị em, để tiếp tục khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp và đóng góp vào GDP của quốc gia” – bà Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Hội LHPN Việt Nam với các ngành, các tổ chức để tập trung nguồn lực, tăng hiệu quả của Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; thúc đẩy thành lập, mở rộng quy mô các HTX, doanh nghiệp khi đủ điều kiện, tập trung hoạt động nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh tại cấp tỉnh.
Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách đề thúc đẩy các giải pháp phát triển tài chính toàn diện nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh trong từng lĩnh vực khởi nghiệp: nông thôn, tài chính, đa dịch vụ…
Với Dự án FLOW/EOWE, Dự án sẽ phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tiếp tục triển khai hướng tới việc tăng cường sự tham gia và chủ động của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế bằng cách tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác xã, doanh nghiệp nữ phát triển, nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ ở cấp quốc gia và địa phương, tăng cường tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tài chính và các cơ hội lãnh đạo.