Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Ấn Độ

Liên đoàn Công nghiệp Ấn  Độ (CII) sẽ tham gia khu gian hàng quốc tế Ấn Độ tại METALEX Vietnam 2016 với mục tiêu thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh doanh giữa các nhà sản xuất Việt Nam và Ấn Độ. Ông Amit Panjwani, Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những kế hoạch liên kết kinh doanh tại METALEX Vietnam 2016.
\"\"
Doanh nghiệp Ấn Độ tham gia triển lãm tại METALEX Vietnam 2015

Ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển tại thị trường Việt Nam; những cơ hội mới nào sẽ mở ra cho Việt Nam?

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng toàn cầu. Nhu cầu trong nước đã phục hồi với chỉ số lạm phát thấp, chính sách tiền tệ ổn định, cũng như những tín hiệu tốt từ người tiêu dùng, đặt ra khả năng cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của các hiệp định FTA đã được ký kết, cùng với những triển vọng từ việc thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến Việt Nam trở thành điểm đến thu hút FDI trong giai đoạn trung hạn. Nền kinh tế Việt Nam thu hút dòng chảy FDI ổn định với mức 14,5 tỷ trong năm 2015…

\"\"

Ông Amit Panjwani, Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ

Những tín hiệu này khá tích cực trong thời điểm nền kinh tế có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn tại khu vực Đông Nam Á, do sự yếu đi của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như sự suy giảm nhu cầu trên thế giới. Hơn nữa, môi trường chính trị Việt Nam tương đối ổn định, cùng với cơ cấu dân số trẻ cũng góp phần tạo nên điểm thu hút đầu tư cho Việt Nam.

Từ những yếu tố này, Việt Nam được dự đoán sẽ giữ tốc độ phát triển nhanh chóng trong tương lai gần, bất chấp những thách thức hiện tại như thiếu chiều sâu công nghệ và hỗ trợ chính sách ngân hàng.

Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đặc biệt trong quan hệ kinh tế và thương mại?

Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được đánh dấu bởi mối liên kết phát triển kinh tế và thương mại trong nhiều năm qua. Hiện nay, Ấn Độ nằm trong top 10 đối tác thương mại của Việt Nam. Khối lượng giao dịch Việt - Ấn vượt 9 tỷ USD trong năm tài chính 2014-2015, đạt mục tiêu đặt ra cho năm 2015 là 7 tỷ USD. Cả hai bên đã nhất trí với mục tiêu thương mại mới 15 tỷ USD trong năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ Ấn Độ là máy móc, thiết bị, thủy sản, dược phẩm, các loại cotton, công nghiệp ôtô, dệt may và phụ kiện da, thức ăn gia súc, hóa chất, hạt nhựa, các loại sợi, thép, vải vóc, kim loại thông thường, trang sức và đá quý. Các khoản đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam vẫn ổn định khoảng 1 tỷ USD nhưng dự kiến sẽ tăng trong những năm tới.

Để thắt chặt mối quan hệ kinh doanh giữa các nhà sản xuất Việt Nam và Ấn Độ, kế hoạch của CII tại METALEX Vietnam 2016 là gì, thưa ông?

Thương mại song phương Ấn Độ - Việt Nam đã và đang tăng trưởng liên tục trong vài năm qua. Do đó, đây là thời điểm có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ với các công ty tiềm năng. Tại sự kiện này, chúng tôi không chỉ trình diễn những công nghệ đến từ Ấn Độ, tập trung xây dựng mạng lưới kinh doanh, cũng như xem xét để thiết lập chiến lược liên minh với các công ty tại Việt Nam và xúc tiến các kế hoạch hợp tác trong tương lai gần như: Hỗ trợ kỹ thuật, thắt chặt chiến lược tiếp thị và liên doanh, bổ nhiệm các đại lý cũng như nhà phân phối địa phương.

Thông qua đó, chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ gắn kết với các công ty tại Việt Nam trên một nền tảng chung phục vụ cho chính phủ, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Xin cảm ơn ông!

Thành Lê (Thực hiện)
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận