![]() |
Tiền thu từ xuất khẩu gạo không đủ bù chi cho nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu |
Song hành nhưng chưa gặp nhau
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp va Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng TĂCN và nguyên liệu trong tháng 7 ước đạt 363 triệu USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 7 tháng đầu năm 2016 đạt 1,85 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2015. Cũng theo Bộ này, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam mới đạt 1,32 tỷ USD. Như vậy, tiền thu từ xuất khẩu gạo không đủ bù chi cho nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu.
Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, TĂCN chiếm tới 65 - 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Mặc dù đang phát triển nhưng ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu TĂCN, đặc biệt là nguyên liệu giàu đạm thực vật như: khô dầu đậu tương, khô đậu, lạc, vừng lên tới con số hơn 90%. Là quốc gia có đường bờ biển dài 3.200 km nhưng ta vẫn phải nhập bột cá 65 - 68% đạm của Peru, Chi Lê… loại bột cá này nước ta mới có khoảng 4 doanh nghiệp sản xuất, sản lượng chưa nhiều.
Theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, ngành chăn nuôi hàng năm sản xuất ra khối lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa giá trị trên 15 tỷ USD, đủ nguồn thực phẩm tươi sống cung cấp cho hơn 90 triệu dân. Thức ăn là yếu tố hết sức quan trọng nhưng thực tế nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi đang rất thiếu. Nhiều năm nay, quỹ đất chỉ dành phân bổ cho trồng lúa gạo, cao su, cà phê, cây ăn quả… không dành đất trồng cây thức ăn gia súc, trồng cỏ nuôi trâu bò….
“Tư duy bảo thủ, cho là Việt Nam không có lợi thế phát triển đại gia súc, nên không dành đất trồng cỏ nuôi bò, không tổ chức, chỉ đạo tận thu rơm rạ sử dụng cho chăn nuôi trâu bò để dân đốt hàng triệu tấn rơm rạ ô nhiễm môi trường… là một sự lãng phí vô cùng lớn” - ông Lịch trăn trở.
Cần giải quyết từ gốc
Có một thực tế đang diễn ra là tăng trưởng của ngành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang rất tốt với mức tăng 13 - 15%/năm, doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ sự chi phối của khối ngoại (đang nắm giữ 65 - 70% thị phần). Kèm theo đó là một khối lượng lớn nguồn nguyên liệu để chế biến TĂCN được các doanh nghiệp FDI gia tăng nhập khẩu vào Việt Nam trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không đủ để đáp ứng. Các chuyên gia lo lắng, khi Việt Nam chính thức tham gia TTP mức thuế nhập khẩu giảm xuống 0%, thì sản lượng các sản phẩm nông nghiệp được nhập vào Việt Nam để làm nguyên liệu chế biến TĂCN sẽ còn nhiều hơn. Khi đó sản xuất TĂCN trong nước sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn nữa của nhà cung cấp nước ngoài.
Để DN sản xuất TĂCN phát triển trong nước, theo các chuyên gia, Việt Nam cần bắt đầu từ khâu gốc sản xuất. Việt Nam hoàn toàn có thể thúc đẩy những cây trồng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm áp lực phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Hiệp hội TĂCN kiến nghị, nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển nguyên liệu bột cá, có chính sách dành quỹ đất để trồng thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, giúp giảm chi phí trung gian, ổn định đầu ra và đầu vào.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam: Cần phân bổ lại quỹ đất nông nghiệp cho cây trồng, trong đó phải có diện tích dành trồng cây thức ăn gia súc, trồng cỏ cho chăn nuôi. Đây thực sự là việc cần thiết phải làm trong cơ cấu lại quỹ đất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. |