![]() |
Hiện toàn huyện Lục Ngạn đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 415 tấn vải chín sớm, giá bán ở mức cao, trung bình từ 30.000 - 35.000 đồng/kg |
Chuẩn bị sẵn sàng
Tại cuộc gặp gỡ báo chí thông tin phương án tiêu thụ vải thiều năm 2020 diễn ra sáng 30/5 tại Bắc Giang, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, mùa vải năm nay, huyện duy trì gần 15.300ha vải thiều, trong đó vải chín sớm khoảng 2.000ha. Diện tích vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP đạt 11.000 ha, GlobalGAP khoảng 100 ha.
![]() |
Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn báo cáo về công tác tiêu thụ cải thiều tại huyện Lục Ngạn |
Dự báo, sản lượng đạt trên 85.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 18.000 - 20.000 tấn. Hiện toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 415 tấn vải chín sớm, giá bán ở mức cao, trung bình từ 30.000 - 35.000 đồng/kg... Vải chính vụ thu hoạch từ giữa tháng 6 tới.
Đến nay, đã có 3 doanh nghiệp đăng ký mã vườn trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, gồm: Công ty A.meii, Công ty Chánh Thu và Công ty Xuất nhập khẩu Toàn Cầu.
Ngoài thị trường Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chiến lược xuất khẩu vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, Singapore...
Đối với thị trường Nhật Bản, phía bạn đã chấp nhận 19 mã số vùng trồng, với diện tích 103 ha và có số hộ tham gia là 107 hộ, sản lượng ước đạt trên 900 tấn). Với thị trường Mỹ, Úc, EU... năm 2020, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích là 218 ha, sản lượng ước đạt trên 1.000 tấn, đủ tiêu chuẩn phục vụ cho xuất khẩu. “Dự kiến, trong những tuần tới các chuyên gia của Nhật Bản sẽ sang kiểm tra, nếu đạt chuẩn đây sẽ là những lô vải thiều đầu tiên xuất thẳng sang Nhật Bản”- lãnh đạo Huyện Lục Ngạn nói.
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có 500 điểm cân của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động thu mua, tiêu thụ vải thiều, khoảng 400 lò sấy của nhân dân, có thể sấy khổ từ 13.00 - 15.000 tấn quả.
Tạo điều kiện thông thương vải thiều
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông La Văn Nam cho biết, trước đây một vài ngày, đại diện huyện Lục Ngạn đã lên tận cửa khẩu bàn với biên phòng và các lực lượng chức năng để đón các đoàn thương nhân Trung Quốc đến huyện thực hiện cách ly an toàn trước khi thu mua vải thiều.
![]() |
Điểm thu mua vải thiều tại thị trấn Chũ- Lục Ngạn |
Hiện Thủ tướng đã đồng ý cho 309 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và đến thu mua vải thiều tại Lục Ngạn, nhưng phải đảm bảo quy định cách ly phòng dịch Covid-19. Phía Trung Quốc đang phối hợp tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam phối hợp thu mua vải thiều. “Ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, các thương nhân Trung Quốc sẽ được tổ chức đón, đưa về các khu cách ly”- Ông La Văn Nam thông tin thêm.
Được biết, từ đầu tháng 5, UBND huyện Lục Ngạn đã có phương án chuẩn bị 5 khách sạn, nhà nghỉ để đón các thương nhân Trung Quốc đến mua vải cách ly phòng dịch Covid-19. Sau thời gian cách ly 14 ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định, những thương nhân Trung Quốc sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được giao dịch thu mua vải thiều bình thường tại Bắc Giang.
![]() |
Đóng thùng xốp bảo quản vải |
Trước đó, xác định Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính, UBND huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã lập danh sách các thương nhân Trung Quốc muốn sang Việt Nam thu mua vải thiều gửi Bộ Công an và Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn để cho phép nhập cảnh vào Việt Nam và giám sát, phối hợp thu mua vải thiều.
UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều theo 3 phương án: Phương án 1, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài ở cả trong nước và trên thế giới: Vải sẽ tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và chế biến. Giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nội địa, chế biến (sấy khô, đóng hộp, ép nước) và trữ lạnh. Phương án 2, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng chưa hết dịch: Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa; xuất khẩu thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á và chế biến. Phương án 3, khi tình hình dịch bệnh covid-19 được ngăn chặn hiệu quả, các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường: Đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ như những năm trước. Hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ như: đóng hộp, ép nước, sấy khô. |