“Thủ phủ” quất Văn Giang ế ẩm, hàng nghìn gốc quất chực chờ nhổ bỏ

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán 2021, tuy nhiên, hàng trăm hộ nông dân trồng quất tại Văn Giang, Hưng Yên lao đao vì quất ế ẩm, nhiều vườn mới chỉ bán được 30-40%, số còn lại có nguy cơ nhổ bỏ, vì không có người mua.

Nếu như mọi năm, đây là thời điểm hoạt động giao thương tại nhiều xã của thị trấn Văn Giang, Hưng Yên diễn ra sôi động, sầm uất với hàng trăm xe tải mỗi ngày vào chở quất đi các tỉnh thành tiêu thụ thì năm nay, dù Tết đã cận kề nhưng nhiều vườn quất vẫn còn ế ẩm, không thương lái tới hỏi mua.

\"“Thủ
Nhiều vườn quất tại huyện Văn Giang, Hưng Yên đã chín vàng, căng mọng...
\"“Thủ
... tuy nhiên, đều rơi vào tình cảnh vắng khách, ế ẩm, không thương lái tới thu mua.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ vườn quất tại ấp Đa Phúc, xã Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên cho biết: So với năm ngoái, năm nay hầu như tất cả các nhà vườn đều bán chậm. Mặc dù giá thành giảm khoảng 50% thế nhưng vẫn không có thương lái đến hỏi mua. Số lượng các thương lái đặt mua cũng ít hơn so với mọi năm. Nhiều vườn để giá rất rẻ nhưng thương lái vẫn nâng lên đặt xuống, thậm chí không chốt được đơn hàng.

“Chưa năm nào vào thời điểm này quất ế ẩm, khó bán như năm nay. Nhìn chung, số lượng năm nay giảm tới 60-70%. Nhiều nhà vườn còn bị thương lái “hủy kèo”, đặc biệt ở một số nơi như Hải Dương hoặc Quảng Ninh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trở lại, quất không thể vận chuyển đi tiêu thụ. Các nhà vườn đành ngậm ngùi trả lại tiền cọc cho khách”, anh Cường bộc bạch.

\"“Thủ
Đa số các loại quất năm nay giá chỉ bằng một nửa so với năm ngoái...

Theo anh Cường, năm nay, loại quất chậu đẹp chỉ có dao động từ 150.000-160.000/chậu, loại 2 có giá 100.000/chậu (năm trước 200.000-250.000/chậu); quất chum loại đẹp 300.000-350.000/chum (năm trước 400-500.000/chum); quất lùm từ 200.000-250.000/cây, loại xấu hơn từ 130.000-150.000/cây (năm trước 400.000/cây); quất thế loại đẹp 400.000/cây (năm trước từ 700-1.000.000/cây); quất bát 40.000-50.000/bát (năm trước 70.000-80.000/bát)…

Lý giải về việc giá quất năm nay thấp, các thương lái vào thu mua đều chung một lý do là ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu chơi quất của người dân không nhiều như các năm. Cũng theo thông tin từ nhiều chủ vườn, mọi năm thời điểm này, lượng quất trong vùng hầu như đã bán gần hết, còn năm nay chỉ những gia đình nào bán sớm, có nhiều mối cũ và bán cho các địa phương ngoài vùng dịch thì còn khả năng thu hồi lại vốn, nhưng rất ít, đa số các hộ đều thất thu.

“Ở quanh đây, chỉ có số ít hộ đầu tư lớn, bài bản, còn lại đa phần trung bình bà con chỉ đầu tư khoảng 300-500 triệu đồng/vụ. Nếu được mùa thì mỗi vụ trừ vốn cũng thu được từ 100-200 triệu đồng tiền lời, gần như thay nhân công đi làm công ty. Với năm nay thì gần như nhiều gia đình không bán được, đa phần bị lỗ\", anh Cường thông tin.

Để xử lý với số lượng quất tồn đọng, theo anh Cường, với những cây khỏe còn có thế cố gắng khắc phục duy trì cho vụ sau, còn lại chắc bà con phải nhổ bỏ hết để trồng vụ mới.

\"“Thủ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên hầu hết số lượng quất tại các vườn ở Văn Giang vẫn còn khá nhiều

Văn Giang, Hưng Yên là vùng trồng cây cảnh có tiếng của miền Bắc. Toàn huyện có khoảng gần 200 ha quất cảnh cung ứng ra thị trường, diện tích trồng tập trung chủ yếu ở các xã Tân Tiến, Long Hưng, Mễ Sở, Liên Nghĩa và Thắng Lợi. Hàng năm, huyện cung cấp một lượng lớn cây cảnh, chủ yếu là quất và bưởi, cam cảnh cho các tỉnh lân cận, thậm chí nhiều tỉnh niềm Nam đặt hàng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo Công Thương, năm nay hầu hết tại các xã trồng quất của huyện Văn Giang đều rơi vào tình cảnh ế ẩm, quất tại các vườn vẫn còn khá nhiều, chiếm khoảng 50-60% hàng tồn. Nhiều loại quất thế, to đẹp cũng không bán được.

\"“Thủ
Nhiều gia đình đã áp dụng công nghệ 4.0 trong việc tưới và cho cây ăn tại gốc nên chất lượng quất tại đây đẹp hơn hẳn so với nhiều vùng

Vốn có thâm niên trồng quất mấy chục năm, nắm được tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Bình Đa, trú thôn Hà Trạch, xã Mễ Sở, Văn Giang - chủ vườn quất hơn 3.000 cây chia sẻ: \"Với kinh nghiệm trồng quất lâu năm, nắm được tình hình thị trường năm nay tiêu thụ khó, tôi đã chốt với các mối lấy quất giao hàng sớm hơn mọi năm. Nhờ “bán tháo” kịp thời nên may mắn lượng lớn quất trong vườn nhà tôi đã tiêu thụ gần hết. Cũng nhờ có kinh nghiệm chăm sóc nhiều năm, đặc biệt áp dụng công nghệ 4.0 trong quá trình chăm sóc cây nên nên chất lượng quất nhà ông tôi cũng được thương lái đặt mua nhiều hơn\".

“Mặc dù năm nay giá chung đều thấp hơn nhưng may mắn với gia đình tôi vẫn nhập được cho khoảng hơn 20 đơn hàng tại nhiều tỉnh thành khác nhau như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh miền trong như Thanh Hóa, Nghệ An... Do đó, vẫn đủ thu hồi được vốn”, ông Đa cho hay và thông tin thêm,

Theo ông Đa cho biết, nếu như năm ngoái, nhiều hộ thắng đậm nhờ đầu tư quất bon sai thì năm nay cũng ế ẩm, đìu hiu khách. Ở đây, 95% hộ gia đình chỉ trồng quất, cả năm trông chờhết vào vụ quất Tết nhưng năm nay thu không bù chi, gần như người dân đều lỗ nặng.

\"“Thủ
Nhiều người dân cho biết, chỉ những nhà nào có nhiều mối quen, nhanh tay bán trước thì mới thu hồi lại được vốn, còn đa số thua lỗ

Không những vậy, theo ông Đa, năm nay thời tiết bất lợi nên quất không được mùa như mọi năm. Đúng vào thời điểm quất bắt quả thì gặp phải thời tiết nắng nóng, hoa rụng nhiều nên tỉ lệ đậu không nhiều, sau đó lại gặp thời thời tiết mưa liên tiếp cây lại không thể ra hoa dẫn tới nhiều cây không đậu quả. Nhiều ruộng cây vàng lá, héo lá, không có quả, người dân phải vặt bỏ, tỉa quả, phá thế để chuyển sang chăm sóc vào năm sau.

Được biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ quất năm nay có phần bị bó hẹp, chỉ lác đác rất ít thương lái ở các tỉnh lân cận như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương tới đặt hàng. Các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An năm nay tiêu thụ rất ít.

\"“Thủ
Bưởi cảnh tại Văn Giang cũng trơ trọi vắng khách \"hỏi thăm\"

Không chỉ cây quất rơi vào tình trạng vắng khách mua, các loại bưởi, cam cảnh ở đây lượng tiêu thụ giảm đáng kể. Nhiều chủ hộ trồng bưởi cho biết, những năm trước, các cây bưởi lớn, sai quả không phải mang đi chào hàng, mà người mua vào tận vườn mua. Thậm chí có thời điểm giá xuống thấp nhưng lượng tiêu thụ vẫn nhiều. Năm nay thì ngược lại, giá đã thấp mà sức mua cũng không khả quan hơn. Chi phí đầu tư làm bưởi cảnh rất lớn, hơn nữa kỹ thuật chăm sóc cũng phải rất công phu. Nhưng với giá bán như hiện tại nếu may mắn thì có thể hòa vốn, không thì bù lỗ rất lớn.

\"“Thủ
Những năm gần đây, quất chum, chậu được người tiêu dùng ưu chuộng hơn

Ông Nguyễn Đông Bình, Chủ tịch xã Mễ Sở, Văn Giang cho biết, năm nay lượng tiêu thụ quất không bằng như mọi năm, khó khăn do dịch tái bùng phát trở lại tại Quảng Ninh và Hải Dương và các tỉnh lân cận. Hiện, chỉ có quất chum, quất chậu là những mặt hàng mà thị trường ưa chuộng, dễ bán. Các loại quất còn lại và bưởi chậu đều tình trạng ế ẩm. Từ giờ tới tết giá các loại cây sẽ khó tăng lên, thậm chí còn giảm.

Để tìm hướng khắc phục một phần quất không tiêu thụ được, theo ông Bình cho biết, xã đang huy động bà con thu hái quả để bán, hoặc làm quất sấy nhằm chế biến thành các sản phẩm như mứt, trà... giảm thiểu tối đa thất thu cho bà con.

\"“Thủ
Anh Nguyễn Huy Thịnh - một chủ buôn quất tại Hà Đông đang tư vấn cho khách
\"“Thủ
Tình cảnh chung của các thương lái bán quất trên nhiều tuyến phố Hà Nội là ế ẩm, vắng khách

Không chỉ các nhà vườn ế ẩm, các thương lái nhập hàng về các tỉnh bán cũng khóc dở mếu dở vì quất. Anh Nguyễn Huy Thịnh, chủ buôn quất ở Hà Đông chia sẻ: Mặc dù hôm nay đã là 25 Tết tuy nhiên sức mua của người dân vẫn rất chậm. Hầu hết chỉ bán được các loại cây nhỏ từ 200 nghìn đồng đến dưới 1 triệu đồng. Các cây to từ 1.500 nghìn đồng trở lên, quất thế đẹp gần như chỉ bán được cho các doanh nghiệp, còn người dân năm nay hầu như không chơi.

Theo anh Thịnh, năm nay anh đầu tư khoảng 100 triệu đồng tiền quất, hiện đã bán được 2/3. Để cứu vãn, vợ chồng mình đã phải đăng lên Facebook nhờ bạn bè ủng hộ. May mắn, nhờ được bạn bè “giải cứu” nên mới đủ thu hồi lại vốn. Dự kiến nếu bán hết thì mới có lời. Cũng theo anh Thịnh, nhiều chủ buôn khác hiện đang phải “bán tháo” để thu hồi vốn.

Đỗ Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận