![]() |
Hội nghị thu hút sự quan tâm, tham gia của hơn 350 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, Sở Công Thương và doanh nghiệp CNHT đến từ 16 tỉnh, thành phố trong cả nước |
Sáng 5/7, tại TP.Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố phối hợp với Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, Sở Công Thương Quảng Nam và một số đơn vị tổ chức Hội nghị kết nối Công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng 2019. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã dự và chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị kết nối CNHT tại khu vực miền Trung, bởi đây là khu vực có nhiều bất lợi hơn so với các vùng khác tại Việt Nam, các điều kiện kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế cũng như công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ nói riêng gặp khó khăn hơn. Vì vậy, Hội nghị này sẽ khuyến khích và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, các Bộ ban ngành rất quan tâm đến công tác triển công nghiệp nói chung, công nghiệp phụ trợ nói riêng. Bộ Công Thương cũng đã và đang tích cực, quyết liệt triển khai các định hướng, các chỉ đạo về phát triển CNHT.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện, các doanh nghiệp này tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Trình độ, năng lực của doanh nghiệp CNHT của Việt Nam ngày càng có tiến bộ. Các doanh nghiệp cũng đã tham gia cung ứng, sản xuất trong 1 số lĩnh vực như linh kiện xe máy, xe đạp, ô tô; linh kiện dây cáp điện; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; linh kiện nhựa, cao su, kỹ thuật, săm lốp các loại…đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp CNHT Việt Nam ngày càng tích cực áp dụng tiêu chuẩn công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất chế tạo.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, các hội nghị kết nối CNHT sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận thông tin đầy đủ, cụ thể hóa đường hướng sự phát triển của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đầu cuối để đẩy mạnh sản xuất, cải thiện hiệu quả, năng suất lao động, đổi mới công nghệ để từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. “Đây là một thách thức, cũng đồng thời là một yêu cầu sống còn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ngành CNHT của Việt Nam chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu chúng ta có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu này”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
![]() |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham quan các gian hàng triển lãm các sản phẩm CNHT Việt Nam |
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp CNHT đã được cung cấp các thông tin về các chính sách ưu đãi, chính sách để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của cả nước nói chung, của TP. Đà Nẵng nói riêng. Bên cạnh đó, trao đổi, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và đề xuất để thúc đẩy ngành CNHT Việt Nam phát triển.
Nổi bật lên chính là chỉ ra điểm yếu của CNHT Việt Nam đó là tính liên kết và các giải pháp để khắc phục. Theo ông Lê Dương Quang – Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam hiện đang gặp các rào cản chính về tiếp cận vốn, đổi mới công nghệ và vấn đề về đầu ra của sản phẩm. Một điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp CNHT hiện nay đó là rời rạc, không có tính liên kết. Theo ông Quang, các doanh nghiệp ngoài việc phải chủ động tiếp cận với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT thì phải chủ động mở rộng hợp tác, kết nối, phối hợp với nhau để phát triển.
Cũng theo ông Quang, một điểm vướng mắc hiện nay nữa đó là cần đưa những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào cuộc sống thông qua việc cải cách thủ tục hành chính. “Chính phủ và các Bộ ngành cần thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để chính sách đi vào cuộc sống. Bởi thực tế, hiện nay, nhiều chính sách rất hay nhưng không đi vào thực tế được do vướng nhiều thủ tục, quy định”, ông Quang nói.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Đồng tình với quan điểm trên, ông Takizama Saturo – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, TGĐ Công ty Daiwa Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp CNHT tại Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đó chính là tính liên kết lỏng lẻo. Ông Takizama Saturo cho biết, liên kết và hoàn thiện chuỗi cung ứng thúc đẩy tăng trưởng là điểm mạnh và là đặc trưng của công nghiệp sản xuất Nhật Bản. Các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam cần đẩy mạnh vấn đề này hơn nữa để cùng nhau phát triển.
Còn ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Hikari Việt Nam thì bức tranh ngành công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng của Việt Nam còn quá nhiều điểm yếu. Để khắc phục điểm yếu này, mỗi doanh nghiệp CNHT phải tự xác định mình là một mảnh ghép của bức tranh lớn, mà khi ghép các mảnh ghép lại với nhau sẽ ra được một sản phẩm hoàn thiện.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị cần đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến kết nối doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lĩnh vực này để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
![]() |
Ký kết hợp tác giữa các đơn vị tại Hội nghị |
Cũng tại hội nghị các doanh nghiệp CNHT đã thông tin về thế mạnh và mong muốn kết nối đến các đối tác tiềm năng. Hội nghị đã chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ và hợp tác của 4 cặp kết nối gồm Trung tâm phát triển CNHT TP.Hồ Chí Minh với Trung tâm Khuyến công và XTTM TP. Đà Nẵng; Hội cơ khí TP. Đà Nẵng với dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ; Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và sản xuất Huỳnh Đức với Công ty TNHH Điện tử Foster; Công ty TNHH Công nghệ Pros Việt Nam với Công ty Cổ phần Hifill.