Đây là chia sẻ của các diễn giả tại hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị”, do Báo Đầu tư phối hợp với NovaGroup tổ chức ngày 15/10 theo hình thức trực tuyến ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cơ hội vàng cho M&A
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong giai đoạn dịch bệnh Covid bùng phát, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam đã có tác động rõ nét lên thị trường M&A. Cụ thể, M&A toàn cầu có sự sụt giảm trong 6 tháng 2020 với tổng giao dịch 917 tỷ USD, nhưng sự tăng trưởng lại rất nhanh trong nửa cuối năm khi được kiểm soát, giá trị 2.200 tỷ USD. Trong năm 2021, giá trị M&A toàn cầu là 2.600 tỷ USD.
Tác động tương tự ở Việt Nam, M&A năm 2019 đạt giá trị 7,2 tỷ USD, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước xuất hiện, nhưng khối ngoại vẫn ảnh hưởng lớn. Cả năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ 3,5 tỷ USD. Đặc điểm nổi bật là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội khi năm 2018 - doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18% thì năm 2019 - 2020 là 30% - cho thấy trỗi dậy mạnh mẽ, các chủ thể tham gia vào M&A. Đáng chú ý, sự hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay vì M&A mang tính thôn tính - bị tác động bởi Covid cũng rất rõ. Giai đoạn 2019 - 2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập - tức triệt tiêu 1 bên. Còn lại 80% mua lại (mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số) để kiểm soát, và 9% là liên doanh.
Nói về cơ hội cho doanh nghiệp khi thực hiện M&A ở giai đoạn này, ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam - cho rằng: Bây giờ đang là cơ hội vàng. Ông Ái nêu ví dụ: Một ngành khó khăn lớn trong đại dịch là F&B, chẳng hạn, doanh nghiệp phục vụ dịch vụ, nhà hàng, nhưng khi nghiên cứu thị trường này có khả năng 30% các nhà hàng độc lập biến mất sau đại dịch sau thời gian dài chịu không nổi chi phí mặt bằng, trừ phi người kinh doanh tại nhà của họ. Nhưng có một loại doanh nghiệp khác có thể phát mạnh, đó chính là các chuỗi cà phê, nhà hàng… với khách hàng quay lại sau đại dịch thì đây la cơ hội lớn.
Lý giải cụ thể, ông Ái cho biết: Trong nguy có cơ, chúng tôi thấy trong đại dịch mỗi người có cơ hội ngồi lại, suy nghĩ, về cuộc sống, làm sao để cải thiện. Doanh nghiệp cũng vậy, họ thấy rõ ràng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh là cực quan trọng. Như các chuỗi không như nhà hàng bán tại chỗ, thì phải có dịch vụ bán mang về, như chuỗi Haidilao - bán gói lẩu ăn tại nhà, rất sáng tạo, doanh nghiệp luôn có giải pháp.
M&A gần đây có tính định hướng rất cao. Trước đây, có những doanh nghiệp rất nhiều tiền, họ tham gia mỗi lĩnh vực một hút. Chẳng hạn như Novaland đã mở rộng là NovaGroup, Nova Services Group, Nova Consumer Group… Có thể nói, định hướng chiến lược rõ ràng giúp định hướng M&A rõ ràng và cơ hội thành công cao hơn.
Từ đó, ông Ái cho rằng, từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, khi chúng ta tiêm vắc xin đầy đủ, chúng tôi tin tưởng hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc đổ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, dù giai đoạn qua doanh nghiệp Việt Nam có trỗi dậy trong M&A nhưng vẫn chỉ đóng góp 30% trong số lượng người mua, vậy 70% vẫn là nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế trong tương lai, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò chính trên thị trường M&A. Đang có 4 nhóm nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan rất quan tâm tới thị trường M&A Việt Nam. Về ngành nghề các nhà đầu tư quan tâm là bất động sản, tài chính, ngân hàng, giáo dục.
![]() |
Các diễn gia tham gia hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” |
Thị trường M&A sẽ theo hướng “cộng sinh”
Theo các chuyên gia dự đoán, tăng trưởng thị trường M&A có thể đạt 4,5 tỷ USD trong năm nay và năm sau có thể quay lại con số trên 7 tỷ USD. Tuy nhiên, để thúc đẩy M&A, ông Phan Đức Hiếu cho rằng: Thứ nhất, thể chế tác động lớn đến xu hướng, hình hài của M&A trong bối cảnh mới ở điểm và cải cách thể chế là trọng tâm để loại bỏ các rào cản, khó khăn về pháp lý giúp các hoạt động kinh doanh nói chung, tái cấu trúc và M&A trở nên dễ dàng hơn. Điểm thứ hai là hình hài nền kinh tế sắp tới đòi hỏi một khu vực doanh nghiệp năng động hơn, dễ thích ứng hơn và tái cấu trúc cả khu vực doanh nghiệp, sự phân bổ nguồn lực sẽ hợp lý hơn. Thứ ba, thể chế sắp tới sẽ định hình, thúc đẩy M&A và định hình M&A theo hướng là cơ cấu lại doanh nghiệp, tăng cường hợp tác.
“Doanh nghiệp trong bối cảnh Covid không thể gượng dậy trên con đường cũ, mà mạnh mẽ đứng dậy trên con đường mới, tức phải tự cấu trúc lại và M&A là công cụ, là cách thức có nhiều lợi ích mà doanh nghiệp sẽ sử dụng”- ông Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm về hợp tác cộng sinh, ông Nguyễn Thái Phiên - Phó Tổng giám đốc NovaGroup - cho biết: Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), họ có những khó khăn về quy mô, khách hàng, sản phẩm chưa hoàn thiện, đội ngũ con người, hệ thống… Giai đoạn Covid vừa qua, các doanh nghiệp SME đặt ra nhiều vấn đề, thậm chí có doanh nghiệp cũng muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Hướng đi cộng sinh với các doanh nghiệp lớn hơn được đặt ra.
Theo ông Phiên, thực ra, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam sau thời gian tích lũy tư bản, thì trách nhiệm xã hội của họ cũng lớn hơn rất nhiều, không phải là câu chuyện từ thiện, mà là tạo ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn không thể tự làm tất cả các ngành, họ chỉ có thể bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nhưng sự cộng sinh từ doanh nghiệp lớn hơn thì bản thân cộng đồng SME có cơ hội phát triển lớn hơn.
“Nếu các nhà làm chính sách không đặt trọng tâm vào doanh nghiệp SME thì nền kinh tế sẽ yếu, vì không thể chỉ dựa vào vài doanh nghiệp lớn. Ngược lại, các doanh nghiệp SME muốn phát triển bền vững hơn, tồn tại dài hạn hơn, thì phải cộng sinh với doanh nghiệp lớn. Câu chuyện đặt lên hệ quy chiếu là có hai chiều như vậy”- ông Phiên nói.