![]() |
Khảo sát của JobStreet.com cho thấy, ngành nhà hàng khách sạn đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Hàng loạt thương hiệu nước ngoài liên tục mở rộng quy mô những năm gần đây, từ hệ thống khách sạn Marriot, Novotel, Pullman đến các tên tuổi nổi tiếng như Burger King, The Coffee Bean & Tea Leaf, McDonald’s đã làm cho thị trường nhân sự ngành này trở nên sôi động.
Nửa đầu năm 2015, thị trường có nhu cầu cao ở lĩnh vực tiếp thị/bán hàng và máy tính/công nghệ thông tin. Xu hướng phát triển không ngừng của thiết bị di động, điện thoại thông minh, máy tính bảng, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin cũng theo đó tăng mạnh, chủ yếu tập trung vào kỹ sư phần mềm, lập trình back-end và front-end cho website. Chính vì vậy, các nhà tuyển dụng đặt những yêu cầu khá cao đối với lao động trong ngành, đặc biệt là lao động đáp ứng kỹ năng lập trình Android, lập trình trên mobile, khả năng đọc được các ngôn ngữ lập trình như PHP, JavaScript, C#…
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2015, TP. Hồ Chí Minh dự kiến giải quyết 265.000 việc làm, trong đó tạo ra 120.000 chỗ làm mới, tập trung vào 4 ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm và hóa chất - nhựa cao su. TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ phát triển 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ, đáng chú ý là nhóm ngành quản trị kinh doanh, kinh tế xuất nhập khẩu, kinh tế vận tải và các nhóm ngành kinh tế thương mại.
Ngành công nghệ dệt - may được sự đầu tư lớn tạo thuận lợi cho việc tăng giá nhân công. Ngành này đang thiếu nhân lực ở khâu thiết kế, tạo mẫu, công nghệ sợi, dệt trong khi ngành quản trị du lịch cần tăng cường lực lượng hướng dẫn viên, nhất là với các chương trình của nước ngoài.
Theo Trung tâm này, có khoảng 60.000 chỗ làm việc trống trong quý I/2015, trong đó 38% lao động phổ thông. Nhu cầu nhân lực bổ sung các ngành nghề sản xuất, chế biến ở tháng 3/2015 sẽ tăng so với 2 tháng trước đó, vào khoảng 23.000 chỗ làm.
Ông Trần Anh Tuấn- Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, sau Tết sẽ không xảy ra thiếu hụt nhiều lao động bởi DN đã chủ động ổn định lực lượng có tay nghề và kỹ năng, có chính sách chăm lo khá tốt để giữ chân người lao động.
Theo ông Tuấn, sau thời gian tái cấu trúc, nhiều ngân hàng sẽ liên kết lại cần nguồn nhân lực mới, vì vậy nhóm ngành này sẽ tăng khoảng 14% trong năm 2015. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; các công ty lớn có thể chọn lựa lao động nước ngoài thay vì lao động trong nước.