![]() |
Người dân về dự đối thoại chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo huyện tại trụ sở UBND xã Nàn Sín |
Hành trình và đối thoại
Chiều muộn, vào một ngày trung tuần tháng 9/2017, chúng tôi có mặt ở huyện ủy Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) thực hiện chuyến công tác tìm hiểu về quá trình phát triển kinh tế, xã hội gắn với xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. Tiếp chúng tôi, Chánh Văn phòng huyện ủy Si Ma Cai - Ngô Thị Hà cho biết, thời điểm này lãnh đạo huyện đang bận. Nếu muốn gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo huyện thì phải đợi, văn phòng sẽ sắp xếp lịch và xin ý kiến lãnh đạo mới quyết định được.
“Theo kế hoạch, sáng mai Bí thư sẽ về cơ sở đối thoại với nhân dân xã Nàn Sín để phổ biến chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của bà con” - chị Hà thông tin.
Bản năng nghề nghiệp mách bảo, cuộc đối thoại này là cơ hội rất tốt để chúng tôi có thể quan sát cái cách mà cán bộ ở vùng cao và bà con đồng bào dân tộc ít người vốn dân trí còn thấp đôi bên hỏi đáp, trao đổi, xử lý những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, đời sống dân sinh trên địa bàn sẽ rất thú vị với những người làm báo. Chớp thời cơ, chúng tôi đề xuất chị Hà báo cáo Bí thư cho phóng viên tháp tùng về Nàn Sín để dự cuộc đối thoại nêu trên. Không lâu, sau một hồi trao đổi qua điện thoại, chị Hà vui vẻ thông báo: Bí thư huyện ủy đồng ý. Mời các anh về nhà khách nghỉ ngơi, chuẩn bị tinh thần để sáng mai đi Nàn Sín sớm.
Sáng hôm sau, chúng tôi tháp tùng Bí thư huyện ủy - Vũ Văn Cài - cùng một số cán bộ phòng ban chuyên môn của huyện Si Ma Cai về xã Nàn Sín. Đây là xã nằm ở xa trung tâm huyện Si Ma Cai nhất. Con đường về Nàn Sín quanh co, uốn lượn, lên xuống theo những vạt đồi, sườn núi, song xe chạy khá tốt. Một cán bộ Phòng Tài chính huyện Si Ma Cai đi cùng cho biết: Trước đây mỗi lần về Nàn Sín chúng tôi vẫn phải đi trên con đường đá cấp phối rất vất vả. Từ khi Tỉnh ủy Lào Cai ban hành nghị quyết về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020 (Nghị quyết 22, ngày 11/11/2014) và triển khai thực hiện, kinh tế Si Ma Cai đã và đang chuyển biến tích cực, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao, hạ tầng giao thông trên địa bàn đã được cải tạo, nâng cấp. Đến nay, đường giao thông từ huyện đến các xã ở Si Ma Cai đã được nhựa hóa 100%, đường vào trung tâm các thôn bản cũng đã được bê tông hóa. “Về Nàn Sín bây giờ không còn vất vả như trước” - cán bộ Phòng Tài chính phấn khởi.
Sau khoảng một giờ ô tô chạy, chúng tôi cùng đoàn cán bộ huyện Si Ma Cai đã có mặt tại trụ sở UBND xã Nàn Sín. Đại diện các đoàn thể, thôn, bản và người dân được mời đến dự cuộc đối thoại khá đông, kín hội trường. Không rườm rà thủ tục, ổn định khán phòng xong là Bí thư Vũ Văn Cài điều hành chương trình làm việc ngay. Sau màn thông báo vắn tắt kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và những mặt khác trên toàn huyện cũng như ở địa bàn, chuyển sang phần đối thoại, Bí thư nhấn mạnh: Đây là cuộc đối thoại thông tin hai chiều gắn kết giữa đảng, chính quyền với người dân, qua đó thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Ai có tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị gì cần được huyện giải đáp thì cứ mạnh dạn.
Ngay sau đó, hàng loạt những vấn đề liên quan đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt bà con cảm thấy có khúc mắc là mang ra kiến nghị tuốt với lãnh đạo huyện.
Anh Lý Seo Cùi - thôn Sìn Chư 2 thắc mắc: Người ta tiêm phòng cho trâu, bò không mất tiền, nhà tôi tiêm phòng cho chó phải trả tiền, lãnh đạo huyện có giải pháp gì không? Bí thư Vũ Văn Cài tiếp nhận vui vẻ, chỉ đạo cán bộ phòng nông nghiệp huyện giải thích ngay cho bà con. Đại diện Phòng Nông nghiệp Si Ma Cai đăng đàn giải thích: Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng cho trâu, bò không mất tiền là nhằm khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển chăn nuôi đại gia súc, cải thiện thu nhập cho bà con. Còn tiêm phòng cho chó Nhà nước cũng hỗ trợ tiền vắc xin, nhưng bà con phải trả tiền công cho người đi tiêm. Số tiền này nhỏ, chỉ 5.000 đồng/con thôi. Nếu Nhà nước không hỗ trợ tiền vắc xin tiêm phòng cho chó thì số tiền bà con phải trả là mấy chục ngàn đồng cơ. Hiểu ra vấn đề, anh Lý Seo Cùi không thắc mắc nữa.
Ông Giàng Seo Giả - cán bộ thôn Sìn Chư 1 phản ánh: Để hạn chế nạn tảo hôn, chúng tôi đi tuyên truyền thì bố mẹ nó nghe, các cháu nó không nghe. Xử phạt hành chính các cháu nó đòi ăn lá ngón tự tử. Đề nghị cấp trên có hướng giải quyết. Với kiến nghị này, trực tiếp Bí thư Vũ Văn Cài đã giải thích và chỉ đạo: Hội phụ nữ xã, thôn, gia đình và các đoàn thể địa phương cần có cách tuyên truyền phù hợp để làm sao cho các cháu hiểu rằng, tảo hôn sinh con khi chưa đủ tuổi trưởng thành là không tốt cho thế hệ tương lai. Trường hợp các cháu không chịu nghe, có thể linh hoạt chấp nhận cho ở với nhau, nhưng phải vận động, hướng dẫn các cháu phương pháp, kế hoạch hóa đến khi đủ tuổi trưởng thành rồi mới sinh con. Các cháu nó đòi tự tử là vì cán bộ, gia đình, đoàn thể xã hội mình tuyên truyền chưa tốt, chưa hiệu quả, cứng nhắc thôi. “Để hạn chế tảo hôn, chính quyền, đoàn thể xã, thôn có thể xem xét, vận động các gia đình đưa vấn đề này vào quy ước của dòng họ, ràng buộc theo phong tục, tập quán văn hóa của bà con, có thể sẽ hiệu quả hơn là xử lý vi phạm hành chính” - Bí thư định hướng.
Ông Lý Seo Dế - thôn Sìn Chư 2 kiến nghị: Nhà tôi được hỗ trợ cấp bò để chăn nuôi. Tôi nuôi mấy tháng rồi nó vẫn gầy yếu, không lớn được. Lãnh đạo huyện có giải pháp gì không? Tiếp nhận kiến nghị, Bí thư chỉ đạo ngay phòng nông nghiệp huyện sau buổi đối thoại cử cán bộ về tận hộ để kiểm tra, xem xét, giải thích nguyên nhân, hướng dẫn phương pháp chăm sóc, chăn nuôi, phòng bệnh. Trường hợp bò cấp theo dự án hỗ trợ mà không thích hợp với môi trường, khí hậu… dẫn đến như vậy thì làm thủ tục cấp đổi bò khác.
Rất nhiều vấn đề khác nữa, từ chuyện hai hộ tranh chấp nguồn nước sản xuất, trồng ngô thu nhập thấp thì trồng cây gì, đường làng hỏng lấy tiền đâu để sửa, thiếu nước sinh hoạt… đến chuyện phấn đấu vào đảng nhưng bố lấy vợ hai sao không được kết nạp bà con cũng đưa ra kiến nghị, đều được lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn giải đáp, hướng dẫn, hoặc chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết cho bà con yên tâm, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không thể liệt kê.
Điều trải nghiệm
![]() |
Bí thư huyện ủy Si Ma Cai - Vũ Văn Cài thăm hỏi, động viên người dân xã Nàn Sín |
Trực tiếp theo dõi lãnh đạo huyện ủy Si Ma Cai đối thoại với người dân xã Nàn Sín mới thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tổ chức thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn từ huyện đến xã, từ xã đến thôn rồi đến người dân ở vùng cao đặc biệt khó khăn, dân trí còn thấp, phong tục, tập quán còn lạc hậu này là một vấn đề rất nan giải. Cấp xã có hệ thống bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, ban bệ… đủ cả. Nhiều khúc mắc, kiến nghị của người dân lẽ ra thuộc thẩm quyền, chức năng xử lý, giải quyết từ cấp xã, thôn là xong, thế nhưng vẫn để đến khi lãnh đạo huyện về đối thoại trực tiếp với người dân bà con mang ra kiến nghị mới xử lý được.
Lý giải băn khoăn của chúng tôi, Bí thư Vũ Văn Cài tâm sự: Si Ma Cai là một huyện vùng cao nghèo phải nhận sự hỗ trợ đặc biệt theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, là huyện kém phát triển, trình độ dân trí thấp nhất của tỉnh Lào Cai. Ngoài những nguyên nhân khách quan, đến nay Si Ma Cai vẫn kém phát triển là do bộ máy chính quyền, nhất là chính quyền cấp xã trình độ quản lý và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách nhiều bất cập so với yêu cầu, yếu về nghiệp vụ quản lý và phát triển kinh tế, xã hội, chưa bám sát cơ sở, thôn bản để định hướng tốt cho người dân phát triển kinh tế gắn với thị trường, thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trên địa bàn còn thiếu đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá nên đã kìm hãm sự phát triển toàn diện về mọi mặt.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, từ năm 2015 đến nay, huyện ủy Si Ma Cai đã tập trung mạnh vào việc kiện toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là chú trọng nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cấp xã. Trong 2 năm lại đây (2015-2016), một số cán bộ cơ sở thuộc diện có năng lực, nhiệt tình nhưng chưa đủ trình độ đã được cho đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức. Huyện có 13 xã, đến nay hầu hết các chức danh bí thư, chủ tịch xã đều đã có trình độ đại học hoặc vừa công tác vừa bổ túc kiến thức. Bên cạnh đó, cũng đã có khoảng 20 cán bộ, trong đó có gần chục bí thư, chủ tịch xã do trình độ, năng lực yếu kém đã được điều chuyển công tác, hoặc cho nghỉ sớm theo chế độ (108) để đưa cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, nhiệt tình vào thay thế.
Để tăng cường năng lực cho cơ sở, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nguồn thuộc diện được quy hoạch vào huyện ủy viên khóa mới, những người thuộc diện này huyện ủy Si Ma Cai cũng yêu cầu rất khoát là phải qua thử thách từ dưới cơ sở. Tức là phải được điều chuyển xuống xã công tác ít nhất một nhiệm kỳ, phải thể hiện được sự năng động, nhiệt tình, vượt qua được tính trì trệ trước đây ở cơ sở mình phụ trách. Trong số 13 xã của huyện Si Ma Cai hiện nay, chỉ còn 3 xã là chưa có cán bộ từ huyện được tăng cường vào.
Với quyết tâm kiện toàn hệ thống chính trị, đổi mới công tác cán bộ theo hướng trẻ hóa, cơ cấu, sắp xếp những người có đủ năng lực, trình độ đảm nhiệm các vị trí phù hợp, theo phương châm cán bộ phải bám cơ sở, nắm bắt những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, nhờ vậy mà Huyện ủy Si Ma Cai đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện bước đầu khá thành công mục tiêu Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Sau 2 năm thực hiện nghị quyết vừa nêu (2015-2016), thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tính đến hết năm 2016 đã đạt 19,57 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2013 (khi chưa có Nghị quyết 22), dự kiến đến hết năm 2017 đạt khoảng trên 20 triệu đồng/người/năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang diễn ra theo hướng tích cực từ trồng trọt sang chăn nuôi gia súc (sinh sản và thương mại), công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị đang chuyển biến về chất, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ổn định và tiếp tục được củng cố.
Trở về huyện sau cuộc đối thoại ở Nàn Sín, Bí thư Vũ Văn Cài chia sẻ với chúng tôi: Cán bộ chủ chốt ở các huyện vùng cao đa số trong diện quy hoạch được luân chuyển tăng cường từ tỉnh vào. Huyện nào cán bộ luân chuyển tăng cường vào không thực sự tâm huyết với địa phương, chỉ nặng về tư duy nhiệm kỳ làm sao hoàn thành nhiệm vụ xong rồi ra để được bố trí vị trí công tác mới, địa phương đó rất khó phát triển, thậm chí là trì trệ. Với bà con các dân tộc vùng cao, trình độ dân trí còn thấp, cán bộ phải cầu thị, chân thành, lắng nghe họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh những vấn đề họ quan tâm, thắc mắc, rồi giải đáp cụ thể, linh hoạt, thậm chí là bắt tay, chỉ việc cho họ làm. Khi bà con hiểu thì sẽ đồng tình, tin tưởng và hưởng ứng thực hiện các chủ trương, chính sách. Còn không, có khi họ ỳ ra chẳng chịu làm, dù đó có là lợi ích thiết thân đối với họ.
“Ngoài ra, thông qua những cuộc đối thoại với người dân như vậy, mình về cơ sở lắng nghe trực tiếp tiếng nói của bà con cũng ngộ thêm được rằng, có những vấn đề nếu chỉ căn cứ vào báo cáo từ xã lên huyện, từ các phòng ban chuyên môn tham mưu thì rất khó đầy đủ, thậm chí còn bị sai lệch, từ đó dẫn đến đưa ra những quyết định thiếu chính xác” - Bí thư Vũ Văn Cài cho biết.
Chúng tôi, sau chuyến tháp tùng Bí thư Vũ Văn Cài về Nàn Sín chứng kiến cuộc đối thoại trực tiếp, dân chủ, cởi mở giữa lãnh đạo huyện Si Ma Cai với người dân, cũng ngộ ra thêm được một điều rằng: “Những người làm lãnh đạo ở các huyện miền núi vùng cao, ngoài trình độ, năng lực, cần phải có tầm và tâm huyết với sự nghiệp phát triển quốc kế dân sinh trên địa bàn, bám sát cơ sở, lắng nghe hơi thở từ thực tiễn, quan tâm chăm lo đến đời sống của người dân, trên cơ sở đó đưa ra những quyết sách hợp với lòng dân, ý đảng thì mới có thể thành công”./.
Si Ma Cai tháng 9/2017