Ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 được tổ chức trọng thể từ ngày 11-13/12/2018. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và nhân dân cả nước và cũng là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân, của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
![]() |
Tập trung nhiều giải pháp lớn “gỡ vướng” cho nông dân |
Với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, đã có hơn 178 lượt ý kiến của đại biểu tại Đại hội và 80 báo cáo tham luận bằng văn bản, đại diện cho các tỉnh, thành ủy, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp…
Theo đó, Đại hội đã biểu quyết 100% thông qua 14 chỉ tiêu thi đua trong nhiệm kỳ 2018-2023. Đại hội đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ 2018-2023 đó là: Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Tại buổi họp báo, các câu hỏi liên quan đến vai trò của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đối với những vấn đề nổi cộm nhất của nông dân như vốn, đất đai… trong giai đoạn hiện nay cũng như những giải pháp gì để hỗ trợ nông dân vượt qua những khó khăn này? Vấn đề nông dân bỏ ruộng đang là vấn đề nhức nhối, khắc phục những hạn chế này như thế nào?...
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí, ông Thào Xuân Sùng cho hay, những vấn đề nổi cộm, những tồn tại, nông dân bức xúc, Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI đã thấy rõ và đã trình ra Đại hội khóa VII. Do đó, trong nhiệm kỳ 5 năm tới (2018-2023), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung vào 3 giải pháp lớn.
Theo đó, một trong những việc sẽ được triển khai là Hội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai và nới hạn điền để bà con yên tâm sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, Hội sẽ tập trung đầu tư cho cơ sở, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ này làm việc hiệu quả hơn.
Liên quan đến vấn đề các địa phương có tình trạng nông dân khiếu kiện đất đai kéo dài, tuy nhiên vai trò bảo vệ hội viên của Hội Nông dân chưa rõ ràng? Ông Thào Xuân Sùng nhận định: Về vấn đề này có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và Quốc hội cũng đã nhìn thấy. Hội Nông dân sẽ đề xuất với Chính phủ và phối hợp với địa phương giải quyết như thế nào để có lợi cho nông dân.
Cũng theo ông Thào Xuân Sùng, sở dĩ người nông dân khiếu kiện trong vấn đề thu hồi đất vì một số chính quyền ở cơ sở thực hiện dân chủ chưa tốt, và có biểu hiện không cân bằng lợi ích, thiên về lợi ích nhóm hoặc thiên về doanh nghiệp vì thu hút đầu tư cho nên người ta quên đi lòng dân. Đây là hạn chế của một bộ phận chính quyền địa phương.
Chính vì thế, tại Đại hội lần này, báo cáo chính trị cũng đã đề cập đến vấn đề này. Các giải pháp được đưa ra là: Trong hoạt động tư vấn hỗ trợ, Hội Nông dân sẽ làm tốt công tác tuyên truyền vận động để hội viên nông dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra giám sát trong quá trình thu hồi đất. Nếu người nông dân được biết, được làm, được bàn, được kiểm tra ngay từ đầu thì không có công chức nào dám làm điều xấu. Bên cạnh đó, đề xuất với Chính phủ, phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng chặt chẽ hoàn thiện thủ tục thu hồi đất. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát phản biện xã hội của Hội Nông dân, trước hết ở Ban chấp hành Hội Nông dân các cấp để phát huy những mặt tốt, đồng thời báo cáo cấp ủy, chính quyền để phòng ngừa sai phạm ngay từ đầu để không xảy ra bức xúc.