Hơn 30 năm nhìn lại, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vuợt bậc mang tính đột phá. Sự phát triển thần kỳ đó đã xảy ra trong một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt mà chúng ta không thể tìm thấy ở một quốc gia nào khác.
Thành lập đúng vào thời kỳ “Đổi mới", Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã hình thành một đội ngũ nhân lực hùng hậu không chỉ làm chủ công nghệ mà còn đưa ra nhiều cải tiến xuất sắc, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác điều hành doanh nghiệp và quản lý dự án để tạo nên một sự bứt phá ngoạn mục. So với các nhà thầu quốc tế, Hòa Bình không chỉ cạnh tranh về giá mà còn có sự vượt trội về chất lượng, tiến độ và đặc biệt về an toàn. Năm 2018 vừa qua và tính đến thời điểm này của năm 2019, Hòa Bình đã đạt được một kỳ tích đó là hơn 150 triệu giờ lao động không tai nạn trên hàng trăm công trường.
![]() |
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - ông Lê Việt Hải |
Trong xu hướng toàn cầu hoá của nền kinh tế thế giới, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình quyết tâm đem hết nỗ lực cùng đồng nghiệp và Chính phủ phát huy năng lực cạnh tranh nhằm đưa ngành xây dựng Việt Nam ra nước ngoài, một thị trường có quy mô gấp vài trăm lần so với thị trường trong nước. Chúng tôi tin rằng, thúc đẩy phát triển thị trường này- ngành xây dựng sẽ có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia và xây dựng sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn để từ đó đóng góp hiệu quả đưa Việt Nam lên một tầm cao mới.
Phát triển công nghiệp xây dựng ra nước ngoài nhất định các các chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ có liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, thiết kế xây dựng, đầu tư địa ốc, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển…, sẽ phát triển mở rộng thị trường hơn thông qua xuất khẩu dịch vụ tổng thầu xây dựng. Dịch vụ tổng thầu xây dựng ngược lại sẽ nâng được lợi thế cạnh tranh khi các chuỗi cung ứng phát triển tạo nên một sự gắn kết và cộng hưởng mạnh mẽ của ngành xây dựng và các chuỗi cung ứng.
Phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, đảm bảo chúng ta luôn có được cơ hội để tiếp thu và tích hợp kịp thời tinh hoa của cả thế giới. Đây là một yếu tố quan trọng mang tính chiến lược giúp chúng ta luôn đủ mạnh để bảo vệ được thị trường nội địa. Chúng ta vẫn còn nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua: những dự án quy mô lớn đòi hỏi kỹ - mỹ thuật cao như nhà cao tầng, cầu dây văng, hầm đường bộ, nhà ga sân bay quốc tế... vài năm trước đây là thị trường của nhà thầu ngoại. Nếu bây giờ doanh nghiệp xây dựng chúng ta không tích cực và chủ động ra ngoài học hỏi để luôn có sự tiến bộ kịp với thế giới thì tình trạng “Dự án siêu sao chê nhà thầu nội” có thể sẽ lặp lại trong tương lai.
Phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn giúp cung cấp việc làm ổn định hơn cho lực lượng lao động trong ngành xây dựng khi thị trường trong nước có biến động hoặc bão hoà.
![]() |
Lễ khởi công Swanbay La Maison |
Theo Học viện Cán bộ và Quản lý thuộc Bộ Xây dựng, tính trên đầu người, nhân lực trong ngành xây dựng của Việt Nam là cao nhất trên thế giới. Riêng số lượng kỹ sư, chuyên gia cao gấp 4 lần so với mức bình quân của các nước phát triển khác. Đó là một lợi thế nếu chúng ta chú ý khai thác và là rủi ro nếu chúng ta chậm trễ trong kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế để đảm bảo việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn này về lâu dài. Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành du lịch chỉ có 3 triệu người, nhưng du lịch được xem như là một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia và đã có quy hoạch tổng thể để phát triển mạnh mẽ trong khi xây dựng có đến 4 triệu 200 ngàn lao động nhưng chỉ được xem như là một ngành kinh tế hỗ trợ.
![]() |
Lễ khởi công Swanbay La Maison |
Chúng tôi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp xây dựng trong việc thực hiện chiến lược này và sẽ mang mọi nỗ lực để cùng Chính phủ, cùng các đồng nghiệp và kêu gọi các chuỗi cung ứng nhanh chóng đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, góp phần giúp chúng ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình trước khi giai đoạn dân số vàng qua đi (dự báo vào khoảng năm 2030). Như vậy, chúng ta chỉ có 10 năm cho sự bứt phá này. Đây quả là một thử thách rất lớn đòi hỏi sự quyết tâm và hợp lực của tất cả chúng ta. Tôi xin nhấn mạnh mục tiêu của chúng ta là xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp tức là tổng thầu xây dựng chứ không phải là xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. Cạnh tranh không chỉ về giá mà còn về sự vượt trội trong ứng dụng những thành tựu mới nhất về khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0.