LuậtHànghải
Để ngành hàng hải phát triển tương xứng với tiềm năng
Cho rằng hàng hải là ngành có vai trò hết sức quan trọng, tiềm năng lớn, là một yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) - bày tỏ: “Việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ luật sẽ tạo điều kiện căn bản, tạo đột phá để ngành hàng hải phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng, đưa nước ta thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”.
Cũng theo đại biểu này, trước khi có Luật Hàng hải, Trung ương đã có Nghị quyết số 09 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó đưa ra mục tiêu phấn đấu đến 2020, kinh tế trên biển, ven biển đóng góp 53 - 55% GDP của cả nước.
Và, muốn ngành hàng hải phát triển cần phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố địa vị pháp lý của ngành và có cơ cấu tổ chức hợp lý để nâng cao vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải.
Từ quan điểm này, đại biểu Hà đề nghị nâng cấp Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ GTVT lên thành Tổng cục Hàng hải Việt Nam. Đồng thời, quy định cụ thể mối quan hệ giữa Tổng cục Hàng hải với cảng vụ hàng hải, các lực lượng, tổ chức có liên quan và minh bạch hóa trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành này từ Trung ương đến địa phương.
Đồng tình với đề nghị của đại biểu Chu Sơn Hà, đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh Trần Du Lịch - cho rằng, việc nâng cấp từ Cục lên Tổng cục Hàng hải Việt Nam không chỉ khẳng định vị trí tương xứng với hoạt động quản lý nhà nước về hàng hải mà còn đáp ứng nhu cầu hiện nay về phát triển kinh tế biển và bảo vệ biển đảo Việt Nam.
Cảnh báo việc lợi dụng quy định hàng hải xâm hại chủ quyền
Một số đại biểu nêu ý kiến về quy định nghiêm cấm việc ngăn chặn, cản trở quyền tự do hàng hải trên biển rất có thể bị lợi dụng để xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam nếu trong Bộ luật không quy định rõ và cụ thể.
Dẫn quy định từ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trong đó thừa nhận quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài ở vùng lãnh hải 12 hải lý nhưng lại không quy định đó là tàu chiến hay tàu hàng.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) - nhấn mạnh: “Cần cảnh giác với quy định “nửa vời” này để tránh vi phạm chủ quyền trên biển của quốc gia khác”.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) - cho rằng, cần xem xét lại quy định về giao vùng đất, vùng nước và bến cảng cho các tổ chức, cá nhân vì trên thực tế, việc giao cho các tổ chức đầu tư, xây dựng riêng lẻ tại các bến càng trong khu vực như hiện nay làm xé lẻ, tạo sự manh mún, không thể tiếp nhận tàu có công suất lớn.
Đặc biệt, “việc giao toàn bộ vùng đất, vùng nước, bến cảng tại các vị trí đắc địa cho nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp đầu tư xây dựng cảng và khai thác như hiện nay, vô hình chung chúng ta làm mất đi lợi thế ở các vị trí địa lý này” - đại biểu Bảo nhấn mạnh.
Do đây là Bộ luật quan trọng, liên quan đến ngành kinh tế lớn của Việt Nam và vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội chưa biểu quyết thông qua Bộ luật tại kỳ họp này. |