![]() |
Nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày |
Mở rộng khung thời gian
Hiện pháp luật lao động quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/ năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Bộ LĐ- TB&XH đang chuẩn bị các bước để sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào năm tới. Trong đó, giờ làm thêm là một trong những nội dung sẽ được đưa ra lấy ý kiến, xem xét sửa đổi.
Theo đó, dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm. Việc tăng số giờ làm thêm trong năm sẽ được tính toán đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là hội nhập quốc tế.
Trên thực tế, so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp. Ví dụ: Campuchia, Philippines không khống chế số giờ làm thêm tối đa, Indonesia 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/ tháng; Thái Lan 36 giờ/tuần; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng. Như vậy, đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cần cân bằng cuộc sống người lao động
Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Đơn hàng từ đối tác của nhóm DN này thường không ổn định dẫn đến việc phải hoàn thành gấp. Từ đó, chủ sử dụng lao động buộc phải thỏa thuận tăng ca với người lao động. Thực tế, việc tăng giờ làm thêm ở khía cạnh nào đó sẽ có lợi cho DN lẫn người lao động. DN đỡ tốn chi phí tuyển dụng và đào tạo nghề, trong khi người lao động có thêm thu nhập khá để bồi dưỡng tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, khi mở rộng khung thời gian được phép làm thêm thì cần bảo đảm quyền tự quyết của người lao động. Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, việc này phần nào sẽ tạo sự linh hoạt cho DN nhưng chế độ chi trả giờ làm thêm nên tính theo phương pháp lũy tiến. Chẳng hạn khi người lao động làm thêm giờ vào ngày thường và đến 30 giờ trong tháng được trả ít nhất 150%; từ trên 30 giờ trong tháng trở lên được trả ít nhất 200%.
Tăng thời gian làm thêm giờ không phải là một giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất. Nhiếu chuyên gia lo ngại, nếu lạm dụng gia tăng làm thêm giờ, người lao động sẽ mệt mỏi, sức khỏe không đảm bảo. Bên cạnh đó, gia tăng sự nhầm lẫn trong khi làm việc và tai nạn lao động rình rập. Ngoài ra, thời gian làm việc dài trong 1 tuần (hơn 48 giờ/tuần) cũng đi kèm với tình trạng mất cân bằng cuộc sống, công việc và làm tăng mâu thuẫn cuộc sống, công việc.
Hiện tại, Bộ luật Lao động năm 2012 đang quy định, người sử dụng lao động không được tăng quá 20 giờ làm thêm trong 1 tháng, 200 giờ trong 1 năm và trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ. |