![]() |
Năm 2017 sẽ tập trung vào chất lượng cổ phần hóa |
Từ năm 2011 - 2016, cả nước đã CPH gần 650 DNNN. Nhìn chung tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN còn chậm, nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Số DN thực hiện CPH hiện đạt 96,3% nhưng phần vốn nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%. Con số tỷ lệ nghịch này đã nói lên việc CPH DNNN chưa đi vào thực chất, nhiều DN vẫn “ôm” vốn nhà nước như “phao cứu sinh” cho hoạt động của mình.
Tại Nghị quyết 23/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DNNN. Theo đó, năm 2017 sẽ tập trung vào chất lượng CPH, vốn nhà nước ở các DN phải giảm tối đa với mục tiêu đưa DN lên thị trường chứng khoán để công khai minh bạch. Ngoài những DN chủ đạo của nền kinh tế như DN thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, còn lại những DN không cần nắm giữ sẽ được bán 100%, có thể bán cả lô, cả gói cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần công khai minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016 về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, đây được xem là kim chỉ nam cho hoạt động CPH DNNN trong năm nay và những năm tiếp theo. Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết, Quyết định 58/2016 đã cụ thể hóa DN nào trong diện nhà nước sẽ bán 100% vốn khi CPH. Do đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN giám sát các bộ, UBND các tỉnh/thành phố, các DN thực hiện đúng các giải pháp đã đề ra. Từ năm 2017, việc thực hiện CPH sẽ hạn chế tối đa xé lẻ bán cổ phần làm nhiều lần như trước đây mà nghiên cứu để triển khai bán luôn 100% nhằm tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hậu CPH.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính trong quý I/2017 trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định: Số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013, số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ. Trong đó, quy định nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định vốn, tài sản nhà nước tại DN để CPH, thoái vốn nhà nước; cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược, bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược...
Trong quý II/2017, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN theo hướng mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác như: Đấu giá thông thường hoặc bán cả lô toàn bộ phần vốn nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết nhưng không thấp hơn biên độ giá giao dịch tại thời điểm bán; bổ sung quy định về việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán...
Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính): Trước đây, chúng ta chỉ quy định mỗi lĩnh vực giữ bao nhiêu phần trăm vốn nhà nước, nhưng hiện nay đã ghi rõ tỷ lệ nắm giữ tại từng DN. Giải pháp này được kỳ vọng giúp tạo thay đổi về “chất” kể từ năm 2017 với công tác CHP DNNN. |