Tác động toàn diện đến kinh tế - xã hội vùng khó khăn

Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đi được nửa chặng đường. Với những kết quả đạt được cùng với nhiều dự án đang triển khai có thể khẳng định: Chương trình đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực, làm thay đổi toàn diện kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Gần 60% các nguồn vốn được phân bổ

Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 được thực hiện dựa trên 4 nguồn vốn, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn huy động quốc tế và vốn lồng ghép.

\"tac
Tháng 10/2018, Ủy ban Dân tộc và Cơ quan Viện trợ phát triển Ailen, Tổ chức Care Quốc tế đã tổ chức Báo cáo đánh giá giữa kỳ Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020

Trong 3 năm, từ 2016 đến 2018, ngân sách trung ương đã phân bổ 11.434,465 tỷ đồng - chiếm 60% tổng số vốn ngân sách trung ương dành cho chương trình. Sáu tỉnh sử dụng ngân sách địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bố trí tổng kinh phí là 959,115 tỷ đồng. Riêng tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020” với tổng nguồn vốn cho cả giai đoạn là hơn 1.400 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, từ 2016 - 2018, Chính phủ Ai Len đã dành 10 triệu Euro từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn 9 tỉnh; Ngân hàng Thế giới dành tín dụng ưu đãi 153 triệu đô-la Mỹ hỗ trợ hai Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2017 - 2020, trong đó Chương trình 135 là một nội dung hỗ trợ quan trọng.

\"tac
Chung tay làm đường giao thông nông thôn bằng nguồn vốn Chương trình 135

Cùng với đó, nguồn vốn lồng ghép từ các chính sách, chương trình, dự án, huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng giai đoạn 2016 - 2018 cũng đã góp phần đưa Chương trình 135 đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng DTTS và miền núi: vốn ngân sách Trung ương bố trí 19.984 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 34.915 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi 45.194 tỷ đồng...

Hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4% mỗi năm

Từ các nguồn vốn trên, với sự quan tâm sát sao của các cấp, các ngành, Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã được triển khai tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên toàn quốc. Trong đó, thực hiện Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, từ năm 2016 đến 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, công trình điện và công trình khác (đã hoàn thành 7.247 công trình và đang thực hiện 1.859 công trình). Thực hiện duy tu bảo dưỡng cho 3.295 công trình nước sinh hoạt, trường lớp học, đường giao thông, kênh mương thủy lợi... do các xã làm chủ đầu tư và tổ nhóm cộng đồng thôn bản thực hiện.

\"tac
Từ Chương trình 135, nhiều dự án nước sạch đã về đến tận các thôn bản

Với Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, chương trình đã hỗ trợ trực tiếp giống cây, giống con, phân bón, vật tư sản xuất, chế biến nông sản… cho hơn 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo và nhóm hộ; tập huấn trên 8.100 lượt người dân và hơn 700 mô hình phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Thực hiện Tiểu dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, Ủy ban Dân tộc đã biên soạn và ban hành tài liệu khung phục vụ các địa phương. Theo đó, các tỉnh thực hiện Chương trình 135 đã tổ chức tập huấn hơn 1.690 lớp với trên 103.000 học viên. Nhiều tỉnh còn chủ động xây dựng khung đào tạo, tập huấn phù hợp với đặc thù của địa phương như: Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Đắk Nông,...

Sau 3 năm triển khai, Chương trình 135 đã góp phần làm giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng DTTS và miền núi giảm khoảng 3 - 4%, đưa 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; đưa 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình 135. Cùng với con số này, bộ mặt các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đã có những đổi thay tích cực. Đây là điều kiện quan trọng để đến năm 2020, Chương trình 135 sẽ cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra.

Hoàng Mai
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận