Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Trần Thị Thu Hà- Phó Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - cho biết, hiện có hơn 1.800 hiện vật về Cách mạng tháng Tám và Lễ Độc lập 2/9 được lưu giữ tại Bảo tàng.
![]() |
Bản Tuyên ngôn Độc lập |
Kể về quá trình sưu tầm những hiện vật này, bà Hà cho biết, năm 1958, trong thời gian xây dựng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Bảo tàng đã tiếp nhận một bộ quần áo kaki màu vàng nhạt, trên cổ áo đã có chỗ bị sờn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được biết, bộ quần áo kaki này đã gắn bó với Bác trong suốt thời gian dài, từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã mặc trong các sự kiện quan trọng như Lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quốc dân, ngày 3/9/1945; chủ trì các cuộc họp của Chính phủ, quốc hội… Đặc biệt là những cuộc gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào Việt Nam cũng như Việt kiều ở nước ngoài…
Ngoài những hiện vật quý, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đang lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng như: Bản viết tay "Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh); Bản Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"; "Mệnh lệnh khởi nghĩa" của Ủy ban Chỉ huy Lâm thời Khu Giải phóng, ngày 12/8/1945 do đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ký; Đặc biệt là bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945...
Cũng theo bà Hà, những hiện vật như bộ sưu tập vũ khí gồm: Súng kíp, dao găm, mã tấu, gậy tầm vông, giáo mác... là những dụng cụ được nhân dân sử dụng trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 cũng được trưng bày tại Bảo tàng. "Đó là con dao ông Nguyễn Văn Tùng ở Vĩnh Yên dùng bảo vệ đồng chí Hoàng Văn Thụ năm 1941. Mã tấu thanh niên xã Bách Lộc (Phú Thọ) dùng tham gia bảo vệ chính quyền địa phương vào tháng 8/1945. Chiếc kèn gắn với sự kiện ông Bùi Hoành Chử, mục sư hội giáo Tin lành dùng để tham gia giành chính quyền ở Sơn Tây năm 1945..." - bà Hà kể.
![]() |
Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu về bộ quần áo kaki của Bác Hồ |
Nhiều tư liệu, hiện vật quý khác như: Tuyên bố của Phái đoàn Chính phủ lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại tại Huế ngày 30/8, Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại để chuẩn bị cho ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; bộ sưu tập những lá cờ cách mạng của Mặt trận Việt Minh như: Lá cờ Tổ quốc treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào trước tổng khởi nghĩa, cờ Đội Việt Nam Giải phóng quân dùng trong ngày tiến quân về đánh chiếm tỉnh lỵ Thái Nguyên ngày 20/8/1945, lá cờ Việt kiều Paris (Pháp) treo trong mít tinh mừng Việt Nam độc lập vào tháng 9… cũng được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ và bảo quản.
"Với mong muốn góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do... từ đó góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9, Bảo tàng đã tổ chức trưng bày Chuyên đề "Ngày Độc lập 2/9" - bà Trần Thị Thu Hà cho biết.
Bà Trần Thu Hà - Phó Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Cán bộ, công nhân viên của Bảo tàng vẫn luôn làm tốt công tác bảo quản, lưu giữ những tài liệu, hiện vật quý này để thời gian tới, người dân tiếp tục được tham quan tìm hiểu về lịch sử đất nước, dân tộc. |