Thưa ông, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đã tác động ra sao đến tình hình sản xuất công nghiệp tại Nình Bình thời gian qua, thưa ông?
Theo thống kê của Sở Công Thương, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 8 ước tính giảm 4,69% so với cùng tháng năm trước và là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận mức suy giảm của hoạt động sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Tính chung lại 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 9,06%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 34,57%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,73%; sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,12%; riêng công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 9,60%.
![]() |
Dự báo, với tình hình khó khăn như hiện nay, việc thực hiện mục tiêu năm 2021 theo kế hoạch của tỉnh đề ra sẽ không dễ khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở trong nước, Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong ngắn hạn dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian qua, với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, một số đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng phương án 3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ. Nhờ sự chủ động này, nếu xảy ra dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ không bị gián đoạn trong sản xuất.
Về phía Sở Công Thương, chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp thường xuyên thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đồng thời, thường xuyên lắng nghe tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp kịp thời với UBND tỉnh, với các bộ ngành để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Song song với hoạt động sản xuất, các hoạt động thương mại thời gian qua đã chịu ảnh hưởng ra sao, thưa ông?
Về thương mại, doanh thu bán lẻ hàng hoá trong tháng Tám ước đạt trên 2.745,8 tỷ đồng, chỉ tăng 0,1% so với cùng tháng năm trước. Tính chung lại, trong 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện gần 22.436,3 tỷ đồng, tăng 21,3% so với 8 tháng 2020.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Công Thương đã đặt mục tiêu dù trong bất kỳ tình huống nào, tỉnh cũng đảm bảo hàng hóa cung ứng cho nhân dân không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Do đó, Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh cần có phương án chủ động tích trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân. Từ đó, các doanh nghiệp đã dự trữ đầy đủ, phong phú các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, thực phẩm chế biến, mì tôm, dầu ăn, nước mắm... đáp ứng nhu cầu của người dân khoảng từ 2-3 tháng trong điều kiện dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Cùng với đó, các đơn vị cũng cam kết bán hàng đúng giá niêm yết không để xảy ra tình trạng khan hiếm gây mất ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Đặc biệt, để chủ động khi chợ dân sinh phải dừng hoạt động do liên quan đến ca F0 hoặc không đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch tổ chức chợ tạm và phiên chợ lưu động trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân khu vực bị ảnh hưởng, thay thế cho chợ truyền thống, chợ dân sinh phải dừng hoạt động.
Cuối tháng 8 vừa qua, Ninh Bình đã phát hiện ca Covid-19 tại Kim Sơn. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã ngay lập tức thành lập đoàn kiểm tra tại địa bàn huyện Kim Sơn. Ngay tại thời điểm đó, thị trường hàng hóa tại huyện Kim Sơn vẫn ổn định, không có diễn biến bất thường.
Về ngoại thương, giá trị xuất khẩu tháng 8 ước đạt gần 261,5 triệu USD, giảm
6,6% so với tháng 8/2020. Tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 1.783,8 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu tháng 8 ước đạt trên 319,9 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng tháng năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu 8 tháng năm nay ước đạt gần 2.072,8 triệu USD, tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020.
Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp nói và thương mại tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành Công Thương Ninh Bình sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Sở Công Thương Ninh Bình đã, đang và sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh kịp thời đưa ra những biện pháp trong từng tình huống cụ thể để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Trước mắt, Sở đang thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống Covid-19 theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh. Chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid- 19 trong các cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh. Chủ động xây dựng các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Sở cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhân dân và các tỉnh. Đôn đốc UBND các huyện, thành phố xây dựng Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu ứng phó với dịch Covid-19 và việc cập nhật trạng thái lên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19; Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch toàn cầu, đã có 05 đơn vị được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng website. Sở cũng hướng dẫn các doanh nghiệp được nằm trong Danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 theo Quyết định số 1974/QĐ-BCT của Bộ Công Thương tiếp cận những chương trình hỗ trợ về xúc tiến thương mại, thông tin thị trường theo quy định của Bộ Công Thương. Tổ chức tốt việc cấp C/O ưu đãi cho cácdoanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Sở xác định, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các đề án khuyến công, xúc tiến thương mại năm 2021. Tổng hợp số liệu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp và tổng hợp tình hình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tiếp tục làm tốt công tác tổ chức bộ máy, biên chế; công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và kế hoạch cải cách hành chính năm 2021.
Xin cảm ơn ông!