Mô hình siêu thị gỗ ở các nước phát triển đã có từ lâu và rất phổ biến. Tại đây, các doanh nghiệp có cơ hội qui tụ lại với nhau làm cho thị trường trở nên lành mạnh hơn nhiều nhờ vào việc chia sẻ thông tin kinh doanh - sản xuất thuận lợi giữa các doanh nghiệp.
Khi đó các doanh nghiệp phải “làm thật - bán thật” tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Điều đó lý giải tại sao ở nước ngoài đã tạo ra các sản phẩm tốt - giá tốt, thậm chí giá cao nhưng người tiêu dùng vẫn mua vì họ cảm thấy xứng đáng.
Tại Việt Nam, mô hình này vẫn còn khá mới mẻ. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều làng nghề nhưng xu hướng là sản xuất hàng giá rẻ và chất lượng thả nổi, còn các doanh nghiệp sản xuất lớn thì tập trung vào sản xuất hàng gia công xuất khẩu, chưa mặn mà với thị trường trong nước.
Để tạo ra chuỗi liên kết trong ngành gỗ nội thất Việt Nam cũng như nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tiến hành xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Về mô hình này, hiện nay mới chỉ có siêu thị gỗ của Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu - TAVICO ở Biên Hòa, Đồng Nai. Siêu thị này được doanh nghiệp đầu tư hàng 1.000 tỷ đồng, hoạt động rất có hiệu quả và đang có kế hoạch mở rộng quy mô lên 40 ha ở Đồng Nai.
![]() |
Siêu thị gỗ giúp tạo chuỗi liên kết và tăng tính cạnh tranh |
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đây không chỉ là đầu mối giao dịch buôn bán; là nơi cung cấp các loại gỗ cho các cơ sở chế biến gỗ; là nơi sơ chế các loại gỗ có các quy cách khác nhau theo nhu cầu của khách hàng… mà còn xây dựng các cụm xẻ sơ chế tập trung vào các Trung tâm giao dịch gỗ. Nhà nước chỉ cần cho cơ chế, doanh nghiệp sẽ đầu tư.
Trên thực tế, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình này được cộng đồng doanh nghiệp gỗ đánh giá cao bởi mang tới cái nhìn mới về chuỗi giá trị trong ngành gỗ, góp phần tái định hình “cuộc chơi”, tạo ra liên kết chuỗi giữa 3 nhà: Nhà cung cấp nguyên phụ liệu ngành gỗ, Nhà sản xuất nội thất và Nhà phân phối nội thất. Đồng thời đem lại lợi ích công bằng hơn cho các bên, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành chế biến gỗ.
Đại diện Tân Vĩnh Cửu cho hay, mô hình siêu thị gỗ của đơn vị này không chỉ là điểm trung chuyển giữa nhà nhập khẩu và nhà phân phối mà là tại đây diễn ra một loạt các giải pháp nhằm đem lại lợi ích cao nhất và công bằng nhất cho người Việt. Tại siêu thị là một loạt các dịch vụ như: Hải quan, logistics từ cảng tới siêu thị, xẻ sấy theo qui cách của khách hàng, dịch vụ thuê kho, thuê gian hàng và dịch vụ vận chuyển giao hàng tận nơi, gỗ từ siêu thị luôn đảm bảo đủ giấy tờ chứng mình về nguồn gốc hợp pháp.
Dù được đánh giá cao nhưng mô hình này hiện chưa được các doanh nghiệp gỗ chú trọng đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển mô hình siêu thị gỗ, các cơ quan Bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ ban hành một số chính sách đặc thù cho ngành chế biến gỗ dưới nhiều góc độ khác nhau.
Cụ thể là xây dựng chính sách thuế/vay vốn ngắn hạn riêng cho từng chuỗi giá trị riêng biệt thay vì xây dựng một chính sách xuất, nhập khẩu chung. Bởi lẽ các chính sách chung hiện nay đã tạo ra sự bất cập trong chính sách thuế/vay vốn ngắn hạn mà các doanh nghiệp phải gánh chịu, không tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, nhà nước cần xây dựng chính sách quản lý dưới góc nhìn nguồn gôc và xuất xứ nguyên liệu; Xây dựng chính sách hỗ trợ thủ tục đầu tư/ vay vốn dài hạn dưới góc nhìn loại hình doanh nghiệp.