Siết chặt quản lý dán nhãn hàng hóa

Từ ngày 1/6/2017, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới, tạo hành lang pháp lý để ngăn chặn việc mập mờ nhãn mác.
\"\"
Người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn, mác của các loại sản phẩm

“Ma trận” tem nhãn

Thị trường hàng hóa tại Việt Nam đang ngày càng mở rộng, sản phẩm ngày một nhiều và có nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã chủng loại khác nhau. Kéo theo đó là “ma trận” các loại tem mác nhãn hiệu mà người tiêu dùng khó có thể xác định được thật, giả và đúng quy định hay chưa.

Đơn cử, với sản phẩm mũ bảo hiểm, hiện trên thị trường đang có hàng nghìn loại với đủ các loại tem nhãn. Các đợt kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường cho thấy, một số lượng lớn dán tem không đúng quy định, kích thước, mẫu chữ; không đầy đủ thông tin, thông số kỹ thuật, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng…; chưa kể có những loại tem nhãn làm giả, xuất xứ Trung Quốc nhưng lại ghi hàng Việt Nam.

Đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, các loại hàng hóa phải được ghi nhãn đầy đủ, có xuất xứ để xác minh những thông tin cần thiết và có cơ sở để xử lý khi có các khiếu kiện từ phía người tiêu dùng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng, đủ các quy định. Nhiều đối tượng cố tình không dán nhãn hoặc nhãn không ghi nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, nơi sản xuất, nhập khẩu… Đây cũng là chiêu thức của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhằm “qua mặt” các cơ quan chức năng và “đánh lừa” người mua. Nguy hiểm hơn, hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến ở mặt hàng thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Nam Hải cho biết, các vụ vi phạm về nhãn hàng hóa mỗi năm lên tới hàng trăm vụ.

Khắc phục bất cập

Trước thực tế này, Chính phủ đã đưa Nghị định 43/2017/NĐ-CP vào áp dụng thay thế cho Nghị định 89/2006/NĐ-CP trước đó, khắc phục nhiều tồn tại bất cập.

Nghị định 43 đã bổ sung điểm mới: Nhiều loại hàng hóa không phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa so với Nghị định 89/2006/NĐ-CP như: Hàng hóa bị tịch thu bán đấu giá; hàng hóa là xăng dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, xi măng rời không có bao bì thương phẩm đựng trong container, xitec; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa.Một số khái niệm mới cũng được đưa vào và giải thích rõ như: Thông số kỹ thuật gồm các chỉ tiêu kỹ thuật quyết định giá trị sử dụng hoặc có ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe người sử dụng, môi trường, quá trình được quy định trong tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa đó; bổ sung khái niệm “hạn dùng” với ý nghĩa tương tự “hạn sử dụng”… Quy định về kích thước nhãn và chữ số được định lượng rõ ràng, không quy định chung chung, định tính “nhận biết dễ dàng bằng mắt thường” như quy định cũ.

Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định việc ghi xuất xứ theo hiệp định Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia theo (Nghị định 89/2006/NĐ-CP thì xuất xứ hàng hóa là nơi cuối cùng sản xuất ra hàng hóa). Đây là quy định bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế nhưng đòi hỏi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu phải tìm hiểu kỹ các hiệp định thương mại có liên quan.

Thu Hà
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận