Sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế

Nhiều điểm du lịch trên cả nước đã quyết định tạm thời đóng cửa; các địa phương cũng ráo riết kiểm soát chặt việc đón khách tại những doanh nghiệp (DN), cơ sở lưu trú… Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch của ngành du lịch, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, vì an toàn của cộng đồng.

Quyết liệt ngăn chặn dịch

Từ di sản vịnh Hạ Long, Tràng An, Hội An, đến đảo Phú Quý (Lý Sơn) đều đã quyết định tạm dừng đón khách tham quan cho đến khi có thông báo hoạt động trở lại. Một số địa phương như Quảng Ninh, Ninh Bình… yêu cầu nhà hàng, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn hạn chế đón, phục vụ các đoàn khách đông người sử dụng dịch vụ tại cơ sở… Những thông tin này không gây phản ứng mà được hầu hết người dân, DN, du khách ủng hộ, bởi phòng, chống dịch cần ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này.

san sang hy sinh loi ich kinh te

Ngành du lịch luôn tin tưởng sớm phục hồi sau đại dịch Ccovid-19

Đặc biệt, do diễn biến dịch Covid-19 liên quan đến nhiều khách du lịch, nên việc kiểm soát chặt thông tin khách được Sở Du lịch các địa phương thực hiện rất chặt chẽ. Cơ quan quản lý yêu cầu đơn vị lưu trú phối hợp với lực lượng chức năng quản lý số lượng khách lưu trú tại đơn vị; thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế hàng ngày. Cơ sở lưu trú đang có khách du lịch phải cách ly cần giám sát, nếu đơn vị nào để khách tự ý rời khỏi khu vực cách ly thì giám đốc, quản lý các đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Về phía cộng đồng DN, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các hiệp hội và DN thành viên tăng cường biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người lao động tại đơn vị; tăng cường sàng lọc khách và bảo đảm an toàn cao nhất cho du khách. Nếu tour kích cầu không đảm bảo an toàn nhất định không tổ chức; các điểm đến và DN phải chuẩn bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát trùng… mới được tham gia chương trình; phải kiểm tra ở mức cao nhất có thể những thông tin do du khách khai báo, nếu thấy bất thường, báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý.

Ưu tiên hỗ trợ phục hồi

Dù chưa có con số thiệt hại chung của ngành du lịch Việt Nam, song mức thiệt hại trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay được dự báo rất lớn, nhất là khi các địa phương trọng điểm về du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam… nguồn khách sụt giảm mạnh.

Nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), dịch Covid-19 đã tác động đến cả cung và cầu, theo đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị của ngành du lịch, đặc biệt ở các DN vừa và nhỏ, các cộng đồng phụ thuộc vào hoạt động du lịch, với hàng triệu lượt người trên khắp thế giới.

Do là một phần không thể thiếu trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực phục hồi ở tương lai, vì vậy UNWTO kêu gọi các chính phủ, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ cần ưu tiên cho ngành du lịch trong các kế hoạch và hành động hỗ trợ phục hồi.

Tại Việt Nam, trong Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành liên quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phục hồi ngành du lịch, hàng không, bằng việc giảm phí, lệ phí, chi phí, các kết nối trực tiếp với các thị trường trọng điểm; khẩn trương đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động; truyền thông về du lịch an toàn; yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, ban hành việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu, các địa phương, DN sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt để bảo đảm an toàn cho du khách, người lao động; đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương án, kịch bản ứng phó, điều kiện tốt nhất để đón khách trở lại sau thời gian này.
Bảo Thoa
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận