Theo đó, tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op là Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo… chưa có điều chỉnh tăng nào từ trước giãn cách cho đến nay. Nhà bán lẻ này cho biết, việc giá hàng hóa siêu thị giữ và giảm với mục đích chính là cùng chính quyền TP. Hồ Chí Minh chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân trong bối cảnh khó khăn, đảm bảo phòng tuyến cho người dân an tâm chống dịch.
![]() |
Siêu thị Co.opXtra thuộc Saigon Co.op đầy ắp hàng hóa phục vụ người dân mua sắm mùa dịch |
Cũng như Saigon Co.op, ông Lê Hữu Tình - Giám đốc Marketing Emart Gò Vấp - cho biết, hiện tại các sản phẩm hàng hóa thiết yếu bán tại siêu thị này không có bất kỳ điều chỉnh tăng giá nào so với trước. Lượng hàng vẫn đảm bảo đủ cung ứng cho người dân và siêu thị tuân thủ nghiêm các quy định an toàn chống dịch.
Mặc dù vậy, mấy ngày gần đây lợi dụng việc giá cả siêu thị bình ổn và người dân có nhu cầu cao, tại các siêu thị có hiện tượng một số cá nhân gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán để hưởng lợi cá nhân. Điều này khiến một số mặt hàng đứt hàng cục bộ, không châm hàng kịp dẫn đến việc một số người dân có nhu cầu thật sự không mua được hàng. Điển hình là mặt hàng trứng gà tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đã bị nhiều cá nhân vào siêu thị gom, sau đó ra ngoài bán giá gấp đôi, gấp ba.
Trước tình hình đó, Saigon Co.op khẳng định, lượng hàng hóa đang đổ về các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food rất nhiều cộng với việc các thủ tục vận tải, vận chuyển ngày càng được khai thông nên công tác phân phối hàng hóa đến tay người dân ngày càng được thuận lợi hơn. “Hiện lượng khách hàng đến mua hàng tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food giảm so với hai ngày đầu thành phố thực hiện giãn cách, các đơn hàng online qua web và app tăng khoảng 30%. Ngoài ra các siêu còn phối hợp các cơ quan tổ chức, đoàn thể tổ chức phát phiếu, đi chợ giúp dân”, đại diện Saigon Co.op cho biết.
Cùng với cam kết không tăng giá, các nhà bán lẻ cũng bắt đầu bổ sung các loại thực phẩm chế biến nấu chín để tăng tính tiện lợi mùa dịch cho người tiêu dùng. Đây cũng là động thái hưởng ứng tích cực theo chỉ đạo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh về việc tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng.
Theo chia sẻ của các nhà bán lẻ, họ đang phải chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự. Đơn cử Saigon Co.op, hiện số lượng nhân sự chưa đến 10.000 người nhưng đang phục vụ ước tính cho 3 - 5 triệu người dân thành phố, ngoài phục vụ tại siêu thị, bán hàng online, hệ thống siêu thị còn chịu trách nhiệm cung cấp hơn 10.000 suất ăn và nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Hay với Vinmart, Vinmart+… số lượng nhân viên cũng có hạn nên có nhiều thời điểm phục vụ không kịp bởi nhu cầu mua sắm tăng cục bộ.
Từ đó, các nhà bán lẻ cho biết rất cần sự phối hợp hỗ trợ mua sắm tiêu dùng trách nhiệm của từng người dân như: Mua sắm vừa phải, đúng nhu cầu để hạn chế tắc nghẽn, tuân thủ hướng dẫn an toàn mua sắm tại siêu thị để giảm thiểu nguy cơ lây lan, tham gia mua sắm online để giảm tải cho siêu thị.