Sa Pa hướng tới mục tiêu đón 5,2 triệu lượt khách du lịch

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới mục tiêu Sa Pa sẽ đón 5,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 11.000 tỷ đồng.
\"\"
Sa Pa đang hướng tới trung tâm văn hóa, du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế

Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Sa Pa thuộc địa bàn toàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai với diện tích vùng lõi là 1.500ha. Định hướng phát triển thành 1 đô thị du lịch Sa Pa với 4 phân khu du lịch: Bản Khoang - Tả Giàng Phình, Tả Phìn, Tả Van - Séo Mý Tỷ và Thanh Kim.

Sa Pa sẽ hướng tới mục tiêu phát triển phấn đấu đến năm 2020 Khu du lịch Sa Pa được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Trước năm 2030, Khu du lịch quốc gia Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao…

Ngoài ra, năm 2020, phấn đấu đón khoảng 2 triệu lượt khách, đến năm 2030 đón khoảng 5,2 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2020 phấn đấu đạt 2.600 tỷ đồng; Năm 2030 phấn đấu đạt 11.000 tỷ đồng. Đến năm 2020, tạo việc làm cho khoảng 5.600 lao động; đến năm 2030, tạo việc làm cho trên 13.000 lao động.

Về định hướng phát triển thị trường khách du lịch, Sa Pa sẽ khai thác dòng khách từ thị trường du lịch truyền thống như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và Trung Quốc; thu hút phát triển thị trường khách du lịch gần như Đông Bắc Á, ASEAN; tiếp cận và kết nối với các tỉnh Bắc Thái Lan, Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc. Còn khách du lịch nội địa tập trung thị trường khách từ Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, trung du miền núi Bắc bộ, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Về phát triển sản phẩm du lịch, Sa Pa sẽ tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chính, như: Sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch tham quan, du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch bổ trợ: Du lịch tâm linh gắn với hệ thống đền, chùa; du lịch lễ hội; du lịch thương mại, mua sắm; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch gắn với sân golf.

Về không gian phát triển du lịch, Sa Pa sẽ được quy hoạch với Đô thị du lịch Sa Pa, bản Khoang - Tà Giàng Phình, Tả Phìn, Tả Van - Séo Mý Tỷ, Thanh Kim, Bát Xát, Mường Hum, Y Tý, Bản Qua… Phát triển các tuyến du lịch chủ yếu gồm du lịch quốc tế, du lịch liên tỉnh, du lịch nội tỉnh, du lịch trong Khu du lịch quốc gia Sa Pa…

Riêng về định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, Sa Pa hướng tới năm 2020 đạt 6.000 buồng, đến năm 2030 có trên 15.000 buồng (trong đó, khoảng 3.000 buồng khách sạn từ 3 sao trở lên); Ưu tiên phát triển loại hình homestay, phát triển khách sạn cao cấp, biệt thự; cơ sở vui chơi giải trí; Cơ sở thương mại, dịch vụ; cơ sở ăn uống, nhà văn hóa cộng đồng… Còn định hướng đầu tư, sẽ thu hút vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vốn ODA…

 

Hoa Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận